Nhân dân dựng hào tre ngăn quân dịch chiếm đóng - Nguồn: Báo nhân dân
Tháng 8/1943, hai quần chúng tích cực là Đào Văn Tuyếch và Hà Văn Nghi ở Yên Phúc, Yên Thành được kết nạp vào Đảng cùng với một đảng viên ở Tràng An (Chương Mỹ) hợp lại thành một chi bộ chép. Chi bộ ghép Yên Phúc – Yên Thành – Tràng An do đồng chí Nguyễn Văn Lộc thành lập tại nhà đồng chí Tuyếch, là một bước phát triển quan trọng của phong trào khu vực này, tạo điều kiện cho phong trào được củng cố và phát triển hơn nữa.
Đáng chú ý là gần cuối năm 1943, tổ Đảng Phú Diễn – Tả Thanh Oai đã lãnh đạo nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh đấu tranh không trồng đay, không đi phu, không nộp thóc, nộp rơm cho phát xít bằng cách xin hoãn, xin miễn, dây dưa kéo dài … Do vậy, việc bắt phu, thu thóc cho phát xít của bọn tổng lý ở các địa phương thuộc tổng Tả Thanh Oai gặp khó khăn vì đông đảo nhân dân tìm cách trốn đi phu, dây dưa không nộp thóc.
Hầm trú bom của học sinh miền Bắc năm 1954 - Nguồn: Bảo tàng dân tộc học Việt Nam
Ở Tả Thanh Oai, bọn Tổng lý huy động tuần phiên mang dây thừng vào từng nhà lấy rơm chất lên xe bò chở đi cho Nhật. Mặt trận Việt Minh vận động nhân dân tranh đấu. Có lực lượng quần chúng cách mạng làm nòng cốt, hàng trăm nhân dân đã kiên quyết không có chúng lấy rơm, chặn xe không cho chúng chở đi. Cuộc đấu tranh giằng có hàng giờ, cuối cùng chúng chở được 5 xe ra khỏi làng. Trước lúc xe chuyển bánh, anh em tự vệ đã mưu trí giấu pháo vào trong rơm rồi châm hương. Xe vừa ra khỏi làng, rơm bén pháp nổ đùng đùng, bọn áp tải hoảng hốt bỏ chạy.
Làng xã thích nghi và đấu tranh - Nguồn: Báo nhân dân
Ngày mùng 5 tết năm 1944, chi bộ ghép Yên Phúc – Yên Thành – Tràng An phối hợp với chi bộ Đại Phẩm (Chương Mỹ) tổ chức cuộc mít tinh ở khu vực nghĩa địa Tràng An giáp với Yên Phúc để kỷ niệm chiến thắng Đống Đa – vua Quang Trung đại phá 20 vạn quân Thanh. Sau đó chi bộ lại tổ chức một cuộc mít tinh khác ở gò Đình Nhĩ thôn Yên Thành. Mặt trận Việt Minh Bối Khê tổ chức cuộc mít tinh ở đình thôn Chúc Lý. Tổ chức Cứu quốc ở Bình Đà treo cờ trên ngọn cây cao trước đình Làng My Hạ (Thanh Mai). Có nơi cắm cờ tại gò cao trên cánh đồng Bún ngay cạnh đường 22 nơi có nhiều người qua lại gần thị xã Hà Đông. Từ Bối Khê, phong trào đã lan sang một số thôn khác thuộc xã Thanh Văn, Đỗ Động …
Tư tưởng đấu tranh giành độc lập được hun đúc từ thế hệ học sinh - Ảnh: Bảo tàng dân tộc học Việt Nam
Đến 7/1945 toàn huyện có trên 20 làng có cơ sở của mặt trận Việt Minh, trong đó nhiều làng là cơ sở vững mạnh như: Bình Đà, Đại ĐỊnh, Kim Bài … Trước ngày 09/03/1945 những nơi này chỉ có một tổ Cứu quốc, nay đã tập hợp được 60 – 70 quân chúng, thành lập được Mặt trận Việt Minh. Có nơi mới xây dựng từ sau ngày 09/03/1945 như Kim Bài, sau đó trở thành một trong những cơ sở có phong trào vững mạnh ở phía nam huyện Thanh Oai. Ở Hữu Từ - Tả Thanh Oai – Phú Diễn hầu như cả làng tham gia ủng hộ cách mạng. Các đoàn thể cứu quốc gần như hoạt động công khai. Bộ máy hào lý bị phân hóa, bị khống chế đã hầu như tê liệt, Mặt trận Việt Minh thật sự làm chủ xóm làng.
Ban tuyên giáo Huyện ủy Thanh Oai