Sông Đáy có chiều dài khoảng 240 km - Ảnh: Văn Kiên - Thanh Oai
Do có độ chênh lệch của đồng đất nên đặc điểm đất nông nghiệp của Thanh Oai là hình thành 03 vùng. Vùng 1: Đất bãi ven sông Đáy có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi, có diện tích khoảng 32,4 km2. Vùng 2: Đất nằm ven quốc lộ 21B thuộc đất đồng vàn có thuận lợi cho cả cấy lúa và trồng hoa màu 45,4 km2.
Hòa màu và chăn nuôi - Ảnh: Phương Linh - Thanh Oai
Vùng 3: Đồng chiêm trũng chiếm phần lớn diện tích canh tác chỉ gieo cấy lúa trong hai vụ và nay có điều kiện phát triển trang trại nuôi trồng thủy sản, diện tích 51,8 km2. Nhìn chung đồng đất Thanh Oai có nhiều khả năng phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao, hiệu quả, bền vững, phù hợp quy hoạch xây dựng vành đại xanh của Thủ đô Hà Nội trong những năm tới.
Trồng lúa nước vùng chiêm trũng Thanh Oai - Ảnh: Phương Huyền - Thanh Oai
Cư dân trên địa bàn huyện chủ yếu là dân tộc Kinh. Đạo phật là gốc rễ trong sự tín ngưỡng của nhân dân. Đạo thiện chúa du nhập trên địa bàn huyện chủ yếu từ nửa cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, có một số nhà Xứ, nhà Thờ lớn như: Thạch Bích, Từ Châu, Kim Lâm, Văn Quán, Trình Xá, Canh Hoạch, Phương Trung …
Nhà thờ xã Phương Trung - Ảnh: Quang Nam - Thanh Oai
Từ bao đời nay, nhân dân Thanh Oai sinh sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng. Cây lúa là lương thực chủ yếu ở Thanh Oai. Bên cạnh trồng ngô, khoai rau màu ở vùng ven sông Đáy, thì cây khoai tây thâm nhập vào Thanh Oai cũng rất sớm nhất là các làng Thanh Mai, Thượng Thanh, Cao Mật, Thanh Thần. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, một vài làng ở Thanh Oai vùng đê sông Đáy trước đây cũng có nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa.
Trồng dâu nuôi tằm không còn ở Thanh Oai hiện nay - Ảnh mang tính chất minh họa
Ở làng Thanh Thần, trong gia đình có sự phân công lao động. Nam thì gánh vác công việc đồng áng, nữ thì canh cửu ươm tơ, dệt lụa. Nhiều làng xã ở trong huyện làm các nghề thủ công như: làm quạt, lồng chim, tượng phật và đồ thờ ở Dân Hòa; sơm mài ở Huyền Kỳ; nghề pháo ở Bình Đà, Thượng Thanh; làm vòng nón ở Đôn Thư, Tràng Xuân; làm nón ở làng Chuông, Cao Xá; mũ lá ở Ước Lễ; Điêu khắc ở Thanh Thùy.
Một số làng nghề tại Thanh Oai - Ảnh: Phương Linh - Thanh Oai
Nhiều làng xã còn phát triển làm gạch ngói, nung vôi, thợ mộc, thợ nền. Đặc biệt là nghề làm pháo ở Bình Đà, Thượng Thanh đã vang truyền trong cả nước. Một số nhà tư sản thời Pháp thuộc như: Phú Mỹ (lập xưởng pháp ở Bình Đà), Phạm Lê Bổng (mở ở Nhật Tân), Pê tô người Ý mở ở Đáp Cầu đều phải mời chuyên gia nghề pháo ở Thanh Oai làm kỹ thuật và tuyển dụng ở Bình Đà, Thượng Thanh để sản xuất. Cuộc thi năm 1937 ở Đấu Xảo (Hà Nội), pháo Bình Đà do cụ Nguyễn Bá Ngữ làm kỹ thuật đạt giải nhất, pháo Nhật Tân do cụ Nguyễn Bá Sửu người Thanh Thần làm kỹ thuật đạt giải nhì.
Hình ảnh chợ tại Thanh Oai - Ảnh: Phương Linh - Thanh Oai
Trên địa bàn huyện, từ xa xưa đã hình thành các chợ phiên ở từng vùng để giao lưu buôn bán hàng hóa của nhân dân. Theo sách: Dư địa chí Hà Tây, huyện Thanh Oai có 15 chợ. Một số chợ lớn có tiếng vang trong vùng như: Chợ Mai Lĩnh (Đồng Mai), chợ Bộ (Cao Bộ), chợ Tư (Bình Đà), chợ Chuông (Phương Trung), chợ Cao (Thị Nguyên) … các chợ phiên dù hàng hóa còn ít, chủ yếu là nông sản, nhưng đã đáp ứng yêu cầu mua bán, trao đổi sản phẩm, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, hàng tiêu dùng của nhân dân.
Hải Yến - Thanh Oai