Thanh Oai là một vùng quê với rất nhiều làng nghề như nón lá làng Chuông; quạt nan, mây tre, giang đan làng Vác, xã Cao Viên; còn làng Bình Đà xã Bình Minh ngày xưa rất nổi tiếng với nghề làm pháo. Từ thời xa xưa có câu: “Nón Chuông, khua lụa, quai thao làng Đơ”.
Hình ảnh nón làng Chuông - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Làng Chuông nổi tiếng cả nước có nghề làm nón. Làng chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, xưa là trang Thời Trung, là nơi thờ Đức phùng Hưng - Bố cái Đại Vương đã tế cờ, xuất quân đánh giặc tại Quán Thượng. Làng Chuông có 7 thôn, 21 xóm, mỗi xóm từ ngày xưa cách nhau bằng con đường xây gạch bổ cau.
Chiếc nón xuất hiện từ bao giờ không ai biết. Xa xưa, nón làng Chuông là cống vật tiến hoàng hậu, công chúa bởi vẻ đẹp rất riêng được làm nên bởi những bàn tay tài hoa khéo léo của các nghệ nhân lành nghề. Trải qua thời gian, nghề làm nón của làng Chuông không mất đi mà càng ngày càng phát triển. Từ chỗ là mặt hàng phục vụ các bà, các chị ở quê, nón Chuông nay là mặt hàng lưu niệm mang giá trị văn hóa cho đông đảo du khách khi đến thăm Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
Ngày nay, nón lá làng Chuông có mặt ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam lẫn nước ngoài. Ngôi làng nghề nhỏ bé này luôn tấp nập khách ra vào không chỉ để đặt hàng mà còn để tham quan, tận mắt chứng kiến công việc làm nón. Những người đến mua chủ yếu ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình,….Cũng như bao làng nghề khác, có những lúc tưởng chừng cả làng bỏ nghề làm nón truyền thống.
Hoạt động thường nhật của người Chuông - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Nhưng vì yêu nghề nên một số người vẫn cố giữ cho nghề không bị mai một. Tại làng chuông, một người nghệ nhân làm nhanh nhất cũng chỉ được 2 chiếc/ ngày. Do đó, những người làm nón ở nơi đây lại không mấy khá giả vì thu nhập từ việc làm nón còn thấp. Mỗi đứa trẻ sinh ra trên đất làng chuông đều biết làm nón. Nhưng đến nay, số hộ theo nghề chỉ chiếm khoảng 50% (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em).
Bích Thủy