Kết nối bốn phương

Nón làng Chuông (Kỳ I)

(2015/1/24 19:10) - Nguồn:

Làng Chuông với hàng trăm năm tuổi nghề, đã và đang lưu giữ nét độc đáo của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc trong từng chiếc nón lá...

 

Làng nghề nón truyền thống tiêu biểu Thanh Oai - Nguồn: ThanhOai.vn

 

Làng Chuông thuộc xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội là làng nghề nổi tiếng với truyền thống làm nón lâu đời. Nơi mà mỗi du khách khi đến đây đều mong muốn sở hữu chiếc nón lá xinh xắn, bền đẹp về làm quà.

Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng.

 

Nghề làm nón ở xứ sở này xuất phát từ đâu, trong làng không ai biết, họ chỉ  biết nghề nón phát triển mạnh mẽ nhờ vào  ông Hai Cát – một nghệ nhân giờ đã hơn 80 tuổi, là người có công mang nón Xuân Kiều còn gọi là nón Ba Đồn về làng sản xuất thay thế cho các loại nón cổ.

Lúc bấy giờ, trong hoàn cảnh nền kinh tế khủng hoảng, cả làng rơi vào tình trạng sa sút, người làng bỏ đi hết, làng Chuông với gần một trăm nóc nhà vậy mà chỉ còn lưa thưa mấy ông bà già, chẳng ai còn tha thiết với nghề làm nón quai thao mặc dù chính nghề này đã nuôi cả làng hơn 500 năm có lẻ.

 

Ông Hai Cát quyết tâm ra chốn kinh kì tiếp tục theo nghiệp làm nón quê nhà. Lúc bấy giờ, nón Huế lên ngôi và được ưa chuộng ở chốn kinh thành. Với đôi bàn tay của người thạo nghề cùng với chút sáng tạo của tuổi trẻ, chàng trai Hai Cát dốc toàn bộ vốn liếng mua nguyên liệu về làm nón Huế.

 

Các thế hệ làm nón đã thành truyền thống - Nguồn: Nguoithanhoai.vn

 

Thời điểm ấy không có lá gồi, ông dùng lá cọ, vốn làng Chuông vẫn dùng để làm nón quai thao từ xa xưa. Sau bao lần thí nghiệm thất bại, chiếc nón ông làm tuy đã đẹp nhưng vẫn có một màu vàng so với nón Huế. Không ngần ngại, ông đã vào tận Quảng Trị để mua lá gồi rồi mang ra làm lại từ đầu. Và lòng kiên trì đã dẫn tới thành công.

Năm 1930, ở hội chợ Trường Đấu Xảo- Hà  Đông, nón của ông Hai Cát đã được đánh giá rất cao và chính quyền sở tại đã cấp giấy hành nghề, hiệp hội làm nón chứng nhận chất lượng cao. Ông đã trở về quê hương với nghề làm nón mới cùng với 6 giấy phéo dạy nghề làm nón xuyên suốt từ Hà Đông, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.

Nhờ tài năng và danh tiếng của ông Hai Cát, sau một năm, số người làng quay về ngày một đông, hồi sinh lại làng Chuông sau 30 năm tưởng sẽ không bao giờ làm nón nữa.

 

Làng Chuông với nghề làm nón giờ đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Ngôi làng nhỏ bé luôn tấp nập khách ra vào. Khách đến làng không chỉ để đặt hàng mà còn muốn tham quan, tận mắt chứng kiến công việc làm nón.

Ngày nay, cùng với xu thế cách tân trang phục truyền thống, chiếc nón cũng được đa dạng hóa thêm, thị trường nón cũng được mở ra một hướng khác. Bất cứ du khách nào tới Việt Nam đều yêu thích chiếc nón. Chính vì vậy, người làng Chuông làm những chiếc nón đủ kích cỡ, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của khắp mọi miền.

Chợ làng Chuông họp một tháng sáu phiên chính, vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 hàng tháng.

 

Sản phẩm là nét văn hóa Việt Nam - Nguồn: Nguoithanhoai.vn

 

Sản phẩm độc đáo

Lá nón được lấy từ một loại cây họ  nhà cọ ở vùng núi non Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Người ta phải lựa loại lá màu sáng và xanh đều thì nón mới đẹp. Lá khi được mua về sẽ được vò trong cát để lá mềm rồi mới đem phơi khoảng hai, ba nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển thành màu bạc trắng. Sau đó sấy thêm bằng bếp củi, bếp đun lửa nhỏ để lá khô dần mà không bị giòn, nếu muốn lá trắng hơn thì phải hun một lần nữa qua diêm sinh.

Vòng nón ở làng Chuông được làm bằng cật nứa vót nhỏ và đều. Khi nối, bắt buộc vòng nón phải tròn và chỗ nối không có vết. Khác với nón thường có 20 lớp vòng, nón làng Chuông có 16 lớp vòng giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại. Vòng nón sau khi được hoàn thành sẽ được xếp vào khuôn, sau đó sẽ xếp từng lá vào vòng nón. Lá sẽ có hai lớp, một lớp mo tre và ngoài cùng là một lớp lá nữa. Người khâu nón cũng được ví như người thợ thêu. Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh thoăn thoắt, mềm mại từng mũi khâu, thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài.

 

Cái tài của người thợ làng Chuông là các múi nối sợi móc được dấu kín, khiến khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy tăm tắp những mũi khâu mịn màng. Sợi móc len theo từng mũi kim qua 16 lớp vòng thì chiếc nón duyên dáng đã hình thành. Khi chiếc nón được khâu xong, người thợ hơ bằng hơi diêm làm cho màu nón trở nên trắng muốt và giúp nón không mốc. Cẩn thận hơn có thể quang dầu bên ngoài nón để làm cho nón bóng, đẹp và bền lâu.

Trong lúc khâu nón, các cô gái làng Chuông trang trí  cho chiếc nón đẹp như dán vào lòng nón những hình hoa lá bằng giấy nhiều màu sắc. Tinh tế hơn, là dùng chỉ màu khâu giăng mắc ở hai điểm đối diện trong lòng nón để từ đó có thể buộc quai nón bằng những giải lụa mềm mại, đủ màu sắc, làm tôn thêm vẻ đẹp khuôn mặt các cô gái dưới vành nón.

 

Công đoạn làm nón Làng Chuông - Nguồn: Nguoithanhoai.vn

 

Giữ nghề cho muôn đời

Nghề làm nón được truyền từ thế  hệ này sang thế hệ khác, chủ yếu là  những người phụ nữ bằng sự khéo léo của đôi bàn tay đã tạo ra những chiếc nón xinh xắn, bền đẹp. Các cô gái biết làm những chiếc nón đầu tiên từ khi bảy, tám tuổi. Người giỏi mỗi ngày thắt được hai, ba chiếc nón đẹp.

Suốt cuộc đời người phụ nữ làng Chuông đã có không biết bao nhiêu chiếc nón được làm ra từ đôi bàn tay họ. Trong mỗi gia đình, người già người trẻ đều có thể tham gia vào những công việc làm nón. Người trẻ tinh mắt, khéo tay thắt những mũi thắt đều đặn làm cho chiếc nón càng có giá.

 

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Khoa Văn hóa học, Đại học Văn hóa Hà Nội, hơn 90% phụ nữ trong làng biết làm nón, nhưng 100% dân cư ở đây không biết tổ nghề là ai và cho rằng nghề làm nón chỉ là nghề phụ, không đem lại thu nhập cao cho người dân.

Cũng theo quan sát của Đại học Văn hóa Hà Nội, khi tham gia nghiên cứu về làng nghề này thì, ít người ngồi đan nón như xưa nữa. Cả làng cũng chỉ vài hộ có xưởng sản xuất nón, chủ yếu phân phối sang nước ngoài và các tỉnh lân cận. Trẻ em, thanh niên ở làng cũng không còn tham gia vào nghề làm nón nữa mà chủ yếu là đi học ở trung tâm thành phố, hoặc đi làm ở các công ty trên địa bàn Hà Nội.

Việc giữ nghề truyền thống của quê hương đang là vấn đề đặt ra không chỉ đối với làng Chuông mà còn với nhiều làng nghề truyền thống khác trên cả nước.

 Vương Dũng - Xã Phương Trung

Các tin liên quan

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Danh nghiệp Thanh Oai
TRUONG THANH VFCC DONG DUOC PHUC HUNG LOGO THANH OAI CONG TY VAN TAI HA TAY 6 8 8
2020/10/23/anh-nen-ba9ad5da2fd929e65e4f698a6112fb67-1_23-10-2020-02-31-32.png
null.gif
BACK TO TOP