Hỡi cô thắt dải bao xanh
Có về Canh Hoạch với anh thì về
Canh Hoạch ít ruộng nhiều nghề
Yêu nghề quạt giấy hay nghề đan khua?
Làng Vác có bốn xóm, gồm xóm Lẻ, tên chữ là Tiêu Văn; xóm Trên, tên chữ là Thế Hiển; xóm Giữa, tên chữ là Trung Hòa; xóm Dưới, tên chữ là Trần Hoàng. Trước kia, xóm giữa có nhiều ruộng đất, chủ yếu sống bằng nghề nông; còn ba xóm kia thì chuyên làm các nghề thủ công. Thật khó mà tìm thấy làng quê nào có nhiều nghề kiếm sống như làng này. Nào làm nón lá, làm giấy pháo; rồi đan phên, cót, đóng giường tre, chõng tre, vót đũa tre, làm đòn gánh, làm giỏ ấm ủ nước; làm hàng mã, làm đồ chơi rằm trung thu như đèn lồng, đèn kéo quân, làm hương; thợ mộc, thợ xây, thợ may, thợ cắt tóc; làm thầy lang chữa bệnh, và làm nghề chữa đồng hồ, chữa xe đạp, chụp ảnh; lại cả làm gạch, ngói, gạch hoa... Ðúng là hàng trăm nghề, nhưng nghề làm quạt thì nhiều người làm nhất, là nghề hay nhất khiến làng Vác nổi tiếng thiên hạ.
Các công đoạn làm quạt của làng - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Một số thư tịch cổ có ghi về nghề làm quạt của người Việt ta có từ thời Lý - Trần. Một vài thư tịch cổ có ghi, năm 1362 Vua Trần Dụ Tông đã sai sư nô làm quạt giấy để bán lấy tiền. Còn thời giặc Minh chiếm đóng, hằng năm, chúng bắt dân ta làm hàng vạn cái quạt dâng cống. Trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết năm 1435 cho biết, Thăng Long có phường Tả Nhất chuyên làm quạt. Không biết có liên quan gì đến phường Tả Nhất không, nhưng Thăng Long xưa còn có thôn Yên Nhất cũng có nghề làm quạt... Các thời nhà Lê, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn, triều đình vẫn dùng quạt giấy để làm phẩm vật ngoại giao với Trung Quốc, Xiêm La (Thái-lan).
Lần khai quật ngôi mộ cổ ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Ðịnh vào năm 1968, thấy trong ngôi mộ có táng theo một chiếc quạt với 18 nan gỗ dài 30 cm. Theo tạp chí Khảo cổ học số 5 - 6 năm 1970, ngôi mộ đó có niên đại thế kỷ 18. Trong sách Vân đài loại ngữ, Lê Quý Ðôn (1726 - 1784), có khảo rất kỹ về quạt. Ông cho biết, người xưa dùng quạt lông và quạt lá bồ quỳ ken lại, không thể mở ra, gập vào được. Lá bồ quỳ là lá gồi, có nơi gọi là lá cọ, lá kẹ. Bên Trung Quốc, thời nhà Ðường người ta cũng dùng loại quạt như vậy. Mãi đến thời Bắc Tống mới chế ra quạt tập diệp, là quạt giấy gập vào được. Quạt của người Triều Tiên xưa chỉ phất giấy dầu sơn có một mặt.
Tuổi thơ lớn lên bằng làn gió mát ban trưa của mẹ! - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Người Nhật Bản sớm làm ra quạt có xương nan bằng tre, mặt thiếp giấy đen, thiếp vàng, có thể gập vào, xòe ra được. Có câu chuyện truyền tụng rằng, vào thế kỷ thứ V, một Hoàng hậu của Nhật Bản khi nhìn thấy cánh con dơi đã nảy ra ý muốn làm cái quạt có thể xòe ra, gập vào, liền cho gọi thợ giỏi đến thực hiện và họ đã thành công. Quạt tập diệp người xưa còn gọi là quạt gấp, quạt xòe, quạt Oa. Người Trung Quốc xưa vẫn gọi nước Nhật Bản là nước Oa. Vậy gọi quạt Oa là loại quạt do người Nhật Bản xưa tạo nên.
Ðầu thế kỷ 18 người Việt ta đã tạo được những loại quạt chất lượng cao. Quạt có nan bằng tre hoa gọi là Ban trúc phiến, quạt có nan làm bằng gỗ cây mơ già gọi là Lão mai phiến, quạt có nan làm bằng vẩy đồi mồi gọi là Ðại mại phiến, quạt có nan làm bằng gỗ bạch đàn gọi là Bạch đàn phiến, quạt có nan làm bằng ngà voi gọi là Nha phiến...
Chiếc quạt hiện diện trong tuổi thơ và hiện tại - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Về nghề làm quạt ở làng Vác, phải đến nửa sau thế kỷ 19 mới có, do cụ Mai Ðức Siêu khởi nghiệp. Ðược thừa hưởng kỹ thuật của người xưa, dân làng Vác đã phát triển nghề quạt lên một bước, nên tạo được loại quạt đẹp, bền, xương nan tre ngâm đúng độ nên không mọt; lại phất bằng giấy Nam mịn với nước cậy kết dính, nhẹ, cho nhiều gió; giá cả vừa phải, nên người tứ xứ rất ưa chuộng. Ðầu thế kỷ 20, nghề làm quạt phát triển mạnh ở làng Vác, hầu như nhà nào cũng tham gia làm quạt hay bán quạt.
Thoạt đầu, người ta bỏ quạt vào đẫy, hoặc gánh đi bán. Về sau, họ dùng xe bò chở quạt ra trung tâm Hà Nội bán cho các nhà buôn lớn như Thông Tộ, Thái Hòa, Tư Trung ở phố Hàng Quạt. Nhà số 4, phố Hàng Quạt, Hà Nội, là ngôi đình của phường làm quạt và buôn bán quạt sinh hoạt ngày xưa, có khắc ba chữ đại tự Xuân phiến thị (Chợ quạt ngày xuân). Quạt Vác còn đến với người tiêu dùng ở Trung Quốc, Thái-lan, Hồng Công... Những năm hai mươi của thế kỷ 20, quạt Vác đã được đưa sang cả Pa-ri, Thủ đô nước Pháp.
Đoàn hội thực tế tại Làng quạt Canh Hoạch - Nguồn: Vân Linh
Những nguyên liệu làm quạt, người làng Vác phải cất công đi mua ở nhiều vùng khác. Tre thì mua trên Lương Sơn, Hòa Bình. Giấy phải mua ở làng An Cốc, Thường Tín, hoặc ở Bưởi, Hà Nội. Quả cậy thì mua ở các vùng ven biển Hải Phòng, Nam Ðịnh, Thanh Hóa... Tre mua về phải ngâm ao bùn cho đủ độ mới pha ra làm xương quạt. Ði mua cậy là vất vả nhất. Chỉ có tháng Bảy, tháng Tám là mùa cậy, phải mua ngay và đem về nhanh kẻo chỉ chừng ba ngày là cậy sẽ thối mất. Mỗi mùa cậy người ta mua đến hai, ba chục tấn, đem về giã nát và vắt gạn, như giã cua đồng nấu canh.
Sau đó còn phải lọc, rồi cho vào chum ngâm, để dùng dần cả năm. Quạt phất bằng nước cậy có mùi thum thủm, ít lâu sau thì mùi ấy nhạt dần. Nước cậy rất mịn và có độ kết dính hơn mọi thứ keo khác, và nó kết hợp với phẩm mầu sẽ cho các mầu quạt theo ý muốn người thợ, hoặc tím đen, nâu đậm, hoặc tím tươi... Riêng khi làm quạt châm kim thì phất cậy, phơi khô rồi mới dùng phẩm lên mầu cho quạt, lại phải thêm một nước cậy nữa để giữ mầu cho quạt. Làm quạt châm kim thật công phu và phải có đôi tay tài hoa mới tạo nên cái quạt đẹp. Người thợ dùng bộ kim đột lên mặt giấy quạt những hình rồng, phượng, hoa lá, và những hình đó mang nội dung các điển tích như Long vân khánh hội, Tứ linh, Cửu long tranh châu, Tứ quí, v.v.
Quạt châm kim là một sáng tạo riêng của người làng Vác đóng góp cho nghề làm quạt cổ truyền Việt Nam. Từ chiếc quạt đơn sơ ban đầu, người làng Vác đã cải tiến không ngừng, tạo nên hàng loạt loại quạt. Gọi theo chất liệu làm nan quạt thì có quạt cật, quạt xương, quạt sừng, quạt ngà... Gọi theo chất liệu làm mặt quạt, có quạt giấy, quạt the, quạt lụa, quạt lượt... Gọi theo độ lớn nhỏ của quạt, có quạt con, quạt vừa, quạt thước, quạt đại... Chuôi quạt có nhiều kiểu, gọi theo hình dạng, như hình quả trứng, hình tròn, hình mái chèo...
Đường về Canh Hoạch làng nghề quạt - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều tiện nghi như ngày nay, chỉ ở các làng quê xa xôi người ta còn dùng đến quạt cầm tay. Trong các thành thị, những ngày nóng nực mà mất điện, người ta mới nhớ tới cái quạt. Còn dùng quạt cầm tay, hay còn nhớ tới cái quạt xưa, ấy là biểu hiện trong đời sống thường tình rằng, cái quạt là một ký ức đẹp trong sâu thẳm tâm hồn người Việt ta. Có câu dân dã 'Em tặng cái quạt, em đề câu thơ', cho thấy cái quạt trong ký ức người Việt ta thật tao nhã.
Quạt làng Vác còn là một ký ức thiêng liêng, thể hiện qua sự kiện năm 1925 người làng đã làm bốn chiếc quạt đại để thờ tại Hậu cung đình Vác. Mỗi chiếc quạt thờ này dài 83 cm, hai nan cái làm bằng sừng trâu liền khối gọt đẽo theo hình mái chèo, bản nan chỗ rộng nhất là 7,3 cm. Ðầu mỗi nan cái chạm nổi hình hổ phù, mặt nan khắc chìm hình rồng hút nước, hình cá ngoi lên trong sóng cuộn. Mỗi đôi nan cái khắc chữ Nôm 'hoàng phong' và 'phả cập'.
Thật tiếc, trong binh lửa thời kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là những năm từ 1952 đến 1954, giặc chiếm làng, ba chiếc quạt thờ đã bị mất đi. Chiếc còn lại, chỉ còn trơ bộ khung nan. Từ bộ khung nan đó, người dân làng Vác đã phất lại quạt bằng lụa, và vẫn để thờ như ngày xưa.
Vậy đấy, quạt làng Vác đã đi vào ký ức đẹp đẽ của đời sống dân tộc. Nhẹ nhõm, mỏng manh mà đã hòa vào dòng chảy thành văn hóa - lịch sử!
Bích Hương - Thanh Oai