Kết nối bốn phương

Danh sách Trạng nguyên xã Kim Thư

(2018/4/11 17:41) - Nguồn:

Xã Kim Thư nằm bên đường quốc lộ 21B và có dòng sông Đáy thơ mộng hiền hòa, uốn khúc tạo nên linh khí và cội nguồn cho làng Đôn Thư. Nơi đây vốn có truyền thống hiếu học từ việc xây dựng quỹ khuyến học do Nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận chủ tịch hội - đến sự ghi nhận nhiều tấm gương tiêu biểu được lưu danh muôn đời tới ngày nay.

 

Dòng sông Đáy êm đềm quấn lấy làng Đôn - Ảnh: Phương Dũng

 

Phía Bắc giáp 2 làng Kim Châu và Kim Thành, phía Nam giáp làng Chuông (Phương Trung), phía Đông giáp Kim Bài - Đỗ Động, phía Tây giáp làng Văn La thuộc huyện Chương Mỹ. Hiện tại, làng Đôn Thư có hơn 1.000 hộ gia đình với trên 3.500 nhân khẩu ở 10 xóm, phân thành 04 thôn: Đoàn Kết, Ba Đình, Dũng Tiến, Đồng Tâm với tổng diện tích tự nhiên là 220,26 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 112,74 ha.

 

Và làng quê ấy đã sinh ra không biết bao nhiêu hiền tài cho quê hương, cho đất nước. Đôn Thư là một trong những miền quê đất học bậc nhất của huyện Thanh Oai chúng ta xưa và nay. 

 

I. PHẠM ĐÌNH DƯ – PHẠM VŨ QUYỀN

 

Vào cuối thời Lê Trịnh sang Triều đại Tây Sơn, đất nước ta nội chiến và cuộc chiến chống ngoại xâm lại diễn biến dồn dập và khốc liệt hơn, Triều đình không mở được khoa thi nào. Sau khi nhà Nguyễn thống nhất được đất nước, song cũng phải đến năm Gia Long thứ 6 (1807), khoa thi Hương đầu tiên sau một thời gian gián đoạn mới lại được tổ chức. Khoa thi đó ở Đôn Thư có hai chú cháu cùng đi thi là cụ Phạm Đình Dư (đời thứ 6) và cụ Phạm Vũ Quyền (đời thứ 7), cả hai cụ đều thi đỗ.

 

Cụ Phạm Vũ Quyền khi dự thi tuổi còn thấp, còn chưa có tên trong sổ đinh, phải mượn tên của chú ruột là Phạm Vũ Phác. Thời Gia Long chỉ mở thi Hương, cho nên chiếu theo kết quả thi năm 1807, có hai thí sinh đỗ Hương Cống xuất sắc, được tuyển chọn phụ trách cơ quan Quốc Tử Giám, đó là cụ Lê Văn Luyện người Thanh Hóa được phong Tế Tửu, còn cụ Phạm Vũ Phác (tức Quyền) được phong Tư Nghiệp. Trong nhà Thái Học ở Quốc Tử Giám Hà Nội mới dựng lại gần đây có bảng liệt kê danh sách các vị quan Tế Tửu và Tư Nghiệp, trên bảng chép tên cụ Phạm Vũ Phác, quan chức Tư Nghiệp, được bổ nhiệm năm 1807.

 

Tư nghiệp Phạm Vũ Phác sau được phong Tế Tửu. Tế tửu Phạm Vũ Phác (tức Phạm Vũ Quyền) khi về hưu trí, được vua ban áo bào, được cấp tiền làm nhà dưỡng lão và được mang đôi biển “Hồi tị – Túc Tĩnh” về quê sử dụng như ở nhiệm sở khi còn đương chức. Cụ nghỉ hưu ở quê, dân làng thường gọi cụ là “Cụ Tế”, năm cụ qua đời, nhà vua gửi viếng mười chữ:

“Sự nghiệp tam triều vọng,

Văn chương nhất quốc sư”

 

II. VŨ CÔNG TRẤN (1685 – 1755)

 

Ông sinh năm 1685 tại làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai trấn Sơn Nam, nay là thôn Đôn Thư xã Kim Thư, huyện Thanh Oai.

 

Trước ông đã đỗ khoa Sĩ vọng. Năm 40 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Giám Thìn (1724) niên hiệu Bảo Thái thứ 5 đời Lê Dụ Tông. Sau lại đỗ khoa Đông Các năm Bảo Thái Mậu Thân (1728). Trong khoảng niên hiệu Long Đức (1732-1735), ông coi việc ở Công phiên, vì thẳng thắn xét kiện không hợp lý chúa, nên bị Trịnh Giang vãi chức (1733).

 

Năm 1748, ông cùng Hà Tông Huân lám Chánh trưởng Tả, Hữu pháp ty. Năm 1752 làm Đề điệu trường thi Kinh Bắc. Năm 1754, được cử đi các địa phương xem xét việc kiện tụng. Trong cùng năm đó xin về Trí Sĩ. Khi giữ chức Bồi tụng Tả thị lang bộ Bình kiêm Đông các đại học sĩ, được ban tước Thư Trạch hầu. Ông là người trung thực cứng cỏi, thẳng thắn nên bị kẻ quyền hành ghét, vì thế bị bãi chức những cũng nhờ đó mà càng nổi tiếng. Trịnh Doanh lên cầm quyền rất trọng vọng ông lại triều ra làm việc năm 1748.

 

Ông mất tháng 9 năm Ất Hợi Cảnh Hưng thứ 16 (1755), thọ 71 tuổi, được truy tặng hàm Thượng thư bộ Binh, tước Quận công. Tên tuổi của ông được ghi trong bia Văn Miếu – Hà Nội

 

Cánh đồng màu làng quê - Ảnh: Phương Dung

 

III. VŨ PHẠM HÀM (1864 – 1906)

 

Ông sinh năm 1864, tự là Mộng Hải, hiệu Thư Trì, người làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai. Dòng dõi nhà nho.

 

Cháu nội của cụ Vũ Đăng Dương ( tức Phạm Vũ Cát) là Vũ Đăng Ngạn, khi đăng thí, muốn đổi tên theo về họ Phạm Vũ, nhưng vì phải khai ba đời, nên cụ chỉ có thể đổi được thành Vũ Phạm Hàm mà thôi. Các con và cháu chắt cụ sau này giữ Họ như của cụ, hình thành Biệt Chi Vũ Phạm trong dòng họ Phạm Vũ Đôn Thư.

 

Vũ Phạm Hàm học chữ từ cụ thân sinh là cụ Đồ Vũ Phạm Dự và người chú trong họ là cụ Bang Phẩm (Cụ Phạm Vũ Phẩm). Lớn lên cụ theo học quan Ngự Sử nghỉ hưu là cụ Lê Văn Xuân, người làng Kim Lâm. Sau cụ lại theo học quan đốc học Hà Nội là cụ Hoàng Giáp Vũ Nhự. Cụ đốc học yêu quý người học trò thông minh đã vui lòng nhận nuôi ăn và dạy học. Khi cụ Vũ Nhự chuyển vào Kinh đô, cụ lại nhờ bạn cũ là Tiến sĩ Phạm Hy Lượng giúp dạy học cho Vũ Phạm Hàm. Năm 1884, 21 tuổi, Vũ Phạm Hàm đi thi Hương ở trường thi Thanh Hóa, đỗ đầu bảng. Năm sau được vào thi Hội, thi Đình, song do Pháp đánh kinh thành Huế năm 1885, kết quả khoa thi bị hủy bỏ. Theo ý nguyện của cha căn dặn, Vũ Phạm Hàm ở lại Huế, đến dạy học ở nhà Thượng thư Phạm Thận Duật, chờ đợi dự thi Đại khoa khi Triều đình mở lại.

 

Năm 1888, được tin thân phụ ốm nặng, ông Cử nhân Vũ Phạm Hàm phải xin nghỉ dạy học để về quê phụng dưỡng, nên lỡ một khoa thi Hội. Thời gian này ở quê cụ soạn Tộc phả, sáng lập Phả Đồ, nhờ đó họ Phạm Đôn Thư tiếp nối tục biên duy trì đến ngày nay. Đến năm 1892, niên hiệu Thành Thái thứ tư, Khi đó Vũ Phạm Hàm 29 tuổi, đang làm giáo thụ Phủ Kiến Thụy (huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng hiện nay), mới dự thi Hội và thi Đình tại kinh đô Huế. Ở khoa thi này, Vũ Phạm Hàm đỗ đầu cả thi Hội và thi Đình, sắc phong “Tam nguyên Nhất giáp Thám Hoa”. Cụ Vũ Phạm Hàm được bổ làm Đốc học Hà Nội, Ninh Bình, Phủ Lỗ và Hà Đông. Ở nơi làm việc nào cụ cũng mở lớp dạy học trò. Khi làm Đốc học ở Hà nội, cụ còn tham gia làm báo ở Đại Nam Đồng Văn nhật báo.

 

Cụ để lại rất nhiều thơ phú và câu đối, nhưng hầu hết là bằng chữ Hán. Tác phẩm chữ Nôm tuy cụ ít làm, song chỉ một bài “Hương Sơn phong cảnh” của cụ cũng đủ để giới phê bình văn học sau này xếp cụ vào hàng tác giả thơ nôm xuất sắc.

 

Một phần thơ văn của cụ được lưu trữ ở Học viện Viễn đông Bác cổ thời gian những năm 1930 ~1940. Số sách này nay được chia về một số thư viện cấp Trung ương ở Hà Nội quản lý. Tác phẩm của Thám hoa Vũ Phạm Hàm từng đăng trên nhiều sách báo trước và sau Cách mạng Tháng Tám; câu đối cụ làm còn được khắc ở nhiều nơi. Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu về sử học và văn học sử đã được phát hiện, sưu tầm và dịch ra quốc văn nhiều tác phẩm có giá trị của cụ.

 

Nghiên cứu về các công trình của Thám Hoa Vũ Phạm Hàm, sẽ giúp chúng ta hiểu được tâm lý, phong cách, trách nhiệm xã hội của lớp nhà nho yêu nước từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, cũng là một việc làm có ích đóng góp vào việc xây dựng một nền văn hóa dân tộc phong phú và đa dạng.

 

Khi làm Đốc học ở Hà Nội ông tham gia biên tập “Đại Nam đồng văn nhật báo” cùng với Chu Mạnh Trinh. Tác phẩm của Vũ Phạm Hàm: Về chữ Hán có những tập thơ “Kinh sử thi tập” là tâoh thơ vịnh sử Trung Quốc, một số bài vịnh thắng cảnh Việt Nam. Tập “Đường thuật hoài” sáng tác theo lối tập cổ các bài thơ Đường, nói lên lòng chán ghét danh lợi mơ ước được sống thanh bình. Một tập “Thám hoa văn tập” gồm các loại biểu, chương, khải, bia, văn viếng điếu, …

 

Các bài phú “Hưng Hóa phú”, “Hà Kiều thành phú”, … “kiều khám binh thư phú”, “Tuyên Quang tỉnh phú”… một số tác phẩm ghi chép về địa lý, “Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách nói về diên cách, dân số, phong tục, nghề nghiệp… của tỉnh Hà Đông cũ. Về chữ Nôm ông chỉ có một bài “Hương Sơn phong cảnh” ứng tác ngay trên đường đi vãn cảnh Hương tích cùng bạn bè.

 

Ông mất năm 1906 thọ 51 tuổi.

 

Hậu duệ của cụ hiện nay là Tiến sỹ Vũ Phạm Quyết Thắng , nguyên Phó Tổng thanh tra nhà nước.

 

IV. PHẠM VŨ CÁT (1794-1852)

 

Thời Minh Mạng lên ngôi, mở Ân khoa năm Minh Mạng thứ 2 (1821), có cụ Phạm Vũ Cát dự thi, cũng vì chưa có tên trong số đinh nên phải mượn tên của một người làng. Cụ thi đỗ Hương Cống với tên mượn là Vũ Đăng Dương. Cụ làm quan trải ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.  cũng vì chưa có tên trong số đinh Cụ có 3 lần nhậm chức tri huyện, Tri Phủ là: Tri Huyện Quỳnh Lưu (1827 – 1831), Tri phủ Hà Thanh (Hà Tĩnh, Thanh Hóa, 1831 – 1933) và Tri phủ Thiên Phúc (1842 – 1843). Cụ Phủ Dương còn được người trong họ gọi là cụ Phủ Thiên.

 

Cụ Phử Dương tham gia giám khảo 3 khoa thi Hương là: Khoa Tân Tỵ, Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) trường thi Nghệ An và Thăng Long, khoa Canh Tý năm Minh Mạng thứ 21 (1840) trường thi Thừa Thiên và khoa thi Đinh Mùi năm Thiệu trị thứ 7 (1847). Cụ tiếp sứ Trung Quốc năm Tự Đức thứ 2 (1849).

 

V. PHẠM VŨ PHẨM (1850)

 

Cụ sinh vào khoảng những năm 1850. Thân phụ của Cụ là Cụ Phạm Vũ Thực ( còn gọi là Cụ Chánh), người có gia sản và quyền lực lớn trong vùng.. Sinh ra trong một gia đình gia giáo, truyền thống hiếu học, lấy chữ nghĩa làm đầu, Cụ Bang được cha cho ăn học. Cụ là người khôi ngô tuấn tú, trí tuệ mẫn tiệp. Cụ còn được cha cho rèn luyện võ nghệ, thông thạo cưỡi ngựa múa gươm.

 

Ước chừng vào những năm 1870, Cụ có hai lần đi thi cả thảy và cả hai lần Cụ đều đỗ tú tài. Cụ được bổ làm Bang tá tại phủ Thanh Oai quê nhà. Trong cuộc đời đầy biến động và sóng gió của Cụ cũng như của lịch sử, của thời thế, có đoạn Cụ về quê dạy học. Trong đám học trò có người cháu gọi Cụ bằng chú rất tài năng, chữ nghĩa thơ phú nức tiếng gần xa. Người học trò xuất sắc này chính là Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm.

 

Cụ là một nhà nho, một chí sỹ yêu nước trong thời buổi biến động nhiễu nhương. Đứng trước thời cuộc, như bao nhà nho yêu nước khác, tâm trạng Cụ đầy trăn trở, chất chứa suy tư, thể hiện qua nhiều câu đối truyền lại.

 

Về thân thế sự nghiệp Cụ Bang, còn lưu truyền câu chuyện anh hùng và đầy chất bi tráng. Đâu đó vào gần cuối thế kỉ 19 (khoảng 1880?), Cụ chiêu mộ nghĩa quân và dấy binh khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của giặc Pháp trong vùng. Giặc Pháp đem quân tới. Lực lượng của Cụ lúc đó còn yếu và bị đàn áp. Các nghĩa sỹ theo Cụ hy sinh rất nhiều, vì thế ở làng Đôn Thư hàng năm vẫn có ngày Giỗ Trận cúng các bậc tiền bối đã theo Cụ hy sinh vì việc nghĩa. Cũng trong ngày đó, Cụ bị giặc Pháp bắt. Trong tù, Cụ đã làm nhiều câu đối nói lên khí phách, lòng tự hào và  một niềm tin mãnh liệt vào cuộc đời, vào tương lai, vào hậu thế.

 

Trong cuộc đời làm quan hay làm thầy, sống nơi làng quê hay chốn quan trường, thậm chí ngay cả trong lúc ngặt nghèo của cảnh tù đầy, với bao sự biến động của thời cuộc, Cụ luôn giữ cho mình một tâm hồn trong sáng, một lối sống thanh tao, một sức sống mãnh liệt: yêu đời, lạc quan và luôn đau đáu một niềm tin mãnh liệt vào tương lai và hậu duệ của mình.

Hậu duệ của cụ hiện nay là Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Vũ Luận, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Nguồn: Ban tuyên giáo Huyện Ủy Thanh Oai và Tiến sỹ Phạm Vũ Câu

 

 

Tags:
Các tin liên quan
Danh nghiệp Thanh Oai
TRUONG THANH VFCC DONG DUOC PHUC HUNG LOGO THANH OAI CONG TY VAN TAI HA TAY 6 8 8
2020/10/23/anh-nen-ba9ad5da2fd929e65e4f698a6112fb67-1_23-10-2020-02-31-32.png
null.gif
BACK TO TOP