Kết nối bốn phương

Cựu anh hùng "Hùm Xám"

(2015/12/22 1:56) - Nguồn:

Nhân ngày kỷ niệm 71 năm thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, Người Thanh Oai rất vinh dự nhận được thông tin chia sẻ từ gia đình anh Trần Quốc Viêt, Xã Đồng Mai, Thanh Oai (Nay quận Hà Đông), về người ông nội Anh hùng trong kháng chiến Pháp và là tấm gương tiêu biểu lao động trong thời bình. 

 

 

Một số hình ảnh kháng chiến chống Pháp của quân và nhân dân Thanh Oai, Hà Đông - Ảnh: Ngọc Huyền

 

Cuối năm 1948, cuộc kháng chiến của nhân dân Hà Đông bước vào giai đoạn gay go, ác liệt. Địch liên tục tấn công tàn phá, bắn giết đồng bào để mở rộng vùng chiếm đóng. Các tổ chức phản động mọc lên như nấm. Tề phản động, tề vũ trang xuất hiện ngay sau khi quân Pháp vừa đặt chân tới. Lực lượng kháng chiến của ta bị xua dạt khắp nơi. 

 

Vào thời điểm ấy, Trần Văn Đồn đến nhận nhiệm vụ tại công an Liên Nam, Ty công an Hà Đông. Từ đó suốt 4 năm liên tục, Trần Văn Đồn lần lượt giữ các chức vụ Đội trưởng công an xung phong, rồi trưởng công an huyện Thanh Oai. Anh luôn luôn có mặt trong vùng địch “luồn sâu, bám địch, đánh địch” với nhiều cách đánh sáng tạo khiến cho địch ăn không ngon, ngủ không yên, khiếp sợ Trần Văn Đồn như sợ “ hùm xám”. Trong một thời gian dài bọn địch ở Hà Đông đã tung tin, treo giải thưởng ba ngàn đồng Đông Dương cho ai bắt hoặc giết được Trần Văn Đồn.

 

 

Đồng tiền Đông Dương - Nguồn: Wikipedia.org

 

Dịp Tết Mậu Tý (1948), Trần Văn Đồn chỉ huy đơn vị trừ khử tên lý trưởng làng P khét tiếng gian ác giữa ban ngày. Hắn là chỉ điểm của Pháp, phá nhiều cơ sở kháng chiến của ta. Chính hắn đã bày ra trò độc ác, đốt nhà của những gia đình có người đi kháng chiến. Dân quanh vùng căm tức hắn, nhưng chưa làm gì được. Sau vụ trừ gian này, bọn tề, ngụy trong vùng phải chùn tay, sợ hãi, nhân dân phấn khởi. Ở xã Đ trong vùng còn có mấy tên tiên chỉ, lý trưởng và chành tổng đứng đầu ban tề vũ trang địa phương, làm tay sai đắc lực cho thực dân Pháp. Do bọn chúng mà mấy lần bộ đội ta đánh địch đánh bốt địch trong vùng đều không xong.

 

Cần phải trừ khử bọn này, Trần Văn Đồn vạch kế hoạch chiến đấu, dự kiến thực hiện đúng vào ngày 01/05/1945, chào mừng Ngày Quốc Tế Lao Động. Đội công tác có đủ công an, bộ đội huyện, du kích xã tham gia. Họ đóng giả toán lính địch đi tuần bắt được Trần Văn Đồn, thu tài sản  mang về trình hội tề nhận thưởng. Đồng chí Đồn hai tay bị trói, quần áo rách tả tơi, người trát đầy tiết lợn, dáng đi tiều tụy như vừa qua một trận đòn dữ dội. Cả “toán lính” tiến vào cổng làng.

 

Gặp tên đứng gác, một nhân viên trong “toán lính” lên tiếng hỏi:

-         Đây có phải là Trần Văn Đồn không?

-         Dạ! đúng ạ. Chính nó đã … - tên gác cổng chưa trả lời hết, người nhân viên trong “toán lính” đã ra lệnh ngay:

 

-         Đúng thì vào làng gọi hội tề ra đây nhận mặt, lập biên bản bắn tại chỗ để chúng tao nhận thưởng.

 

Một số hình ảnh đồn bốt và quân lính Pháp tại phố Hàng Bột năm 1950 - Nguồn: Ngọc Huyền

 

Cả bọn tề đang họp, nghe tin bắt được Trần Văn Đồn, chúng hí hửng kéo nhau ra cổng làng. Thời cơ diệt địch đã đến. Theo ám hiệu của Trần Văn Đồn, quân ta nổ súng tiêu diệt cả 3 tên tề gian ác, rồi găm cáo trạng vào ngực ba xác chết, thu 30 quả lựu đạn, 4 thanh kiếm, sau đó rút về hậu cứ an toàn. 

 

Kết quả của trận trừ gian táo bạo này thêm một đòn đánh mạnh vào não bộ của bọn phản động ở vùng huyện Thanh Oai làm cho chúng thêm khiếp sợ “hùm xám” Liên Nam. Sau thắng lợi này, công an Liên Nam chuyển sang triệt phá các tổ chức phản động Quốc dân đảng và Đại Việt duy dân… ở địa phương, bắt hàng chục tên. Hai tên cầm đầu là Đạm và Tham phải trốn, rồi chạy vào Nam. Các tên H nhân viên AT Hà Đông, T – đảng viên Quốc dân đảng, tay sai của thực dân Pháp từ Hà Đông vào Liên Nam hoạt động, gặp phải Trần Văn Đồn cũng không còn cơ hội trở về. Một lần đội công an xung phong Liên Nam và đội điệp báo Ty  công an Hà Đông được giao nhiệm vụ đối phó với hoạt động do thám của cơ quan phòng nhì địch. Suy nghĩ kỹ, Trần Văn Đồn quyết định dùng “kế mỹ nhân”. Hai chị Nguyễn Thị Sỹ và Lê Thị Bớt (ở xã Thanh Cao) nhận làm việc này. Kết quả ta tóm gọn 2 tên chỉ huy phòng nhì của địch, khai thác được nhiều tin tức địch tình quan trọng, phục vụ tốt cuộc kháng chiến ở địa phương. 

 Ông Trần Văn Đồn (Bên trái) cùng em trai - Nguồn: Gia đình anh Trần Việt cung cấp

 

Đến nay, nhiều anh em trong đội vẫn còn nhớ, một lần Trần Văn Đồn dùng diệu kế ly gián địch “lấy súng địch đánh địch” ở Do Lộ, Yên Nghĩa, Hà Đông. Dạo ấy, địch ở bốt Mai Lĩnh trang bị cho bọn tề ở đây 12 khẩu súng nhưng tên sếp bốt vẫn còn nghi, nên đã đưa quân đóng giả Việt Minh vào làng. Trần Văn Đồn chỉ đạo cơ sở của ta là ông Ngọc, phó ban tề tổ chức đánh lại, bắn chết lính địch, khiêng xác lên bốt. Đêm đến, ông Ngọc tháo hết khóa nòng của súng. Quân ta đột nhập bắt gọn cả ban tề vũ trang, thu toàn bộ 12 khẩu súng cùng 30 quả lựu đạn và hai xe đạp mà không tốn một viên đạn nào. Sau lần thất bại này, bọn địch ở vùng Thanh Oai  càng khiếp sợ con “Hùm xám Liên Nam” Trần Văn Đồn. 

 

Vào một ngày giữa năm 1952, tham gia chiến đấu bảo vệ căn cứ của Ủy Ban Huyện, Trần Văn Đồn bị sa vào tay giặc. Suốt hai năm trời trải qua các nhà tù của địch ở Hà Đông, Hỏa Lò, Côn Đảo… Đồng chí Trần Văn Đồn luôn giữ vững khí tiếp của ngời cộng sản, là Bí thư chi bộn đảng trong nhà tù.

 

 

 Nhà tù Côn Đảo và nhà tù Hỏa Lò nơi ông Đồn từng bị giam giữ - Ảnh: NgọcHuyền

Hòa bình lập lại, trở về đội ngũ chiến đấu, với cương vị Chủ tịch Huyện Thanh Oai rồi giám đốc Công ty vật tư tổng hợp tỉnh Hà Tây, đồng chí vẫn giữ vững phẩm chất cao quý của người cán bộ kháng chiến năm xưa cho đến lúc nghỉ hưu.

 

Thông tin được đăng trên báo Hà Tây ra tháng 7/1995 - Nguồn: Gia đình anh Trần Việt cung cấp

Ông là niềm tự hào của gia đình anh Việt nói riêng và của Thanh Oai nói chung. Người Thanh Oai chúc anh Việt và gia đình tiếp tục phát huy tự hào truyền thống gia đình tốt đẹp!

Gia đình anh Quốc Việt - Ngọc Huyền : Thanh Oai

Tags:
Các tin liên quan

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Danh nghiệp Thanh Oai
TRUONG THANH VFCC DONG DUOC PHUC HUNG LOGO THANH OAI CONG TY VAN TAI HA TAY 6 8 8
2020/10/23/anh-nen-ba9ad5da2fd929e65e4f698a6112fb67-1_23-10-2020-02-31-32.png
null.gif
BACK TO TOP