Cổng chùa tam quan - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Vào chùa qua hệ thống cổng ngũ môn và cầu là tới tam quan gồm ba gian bằng gỗ theo kiểu hai tầng tám mái. Phía trên tam quan là gác chuông. Tam quan được dựng vào năm 1603 thời Lê trung hưng. Hạng mục kiến trúc này vừa được sửa chữa vào năm 2006. Kiến trúc chính của chùa Bối Khê được bố cục theo kiểu “tiền Phật, hậu Thánh”, trên diện tích 5.000m2. Việc thờ Phật được bố trí ở tòa tiền đường và tiền bái. Tiếp đó đến tòa thiệu hương và thượng điện là nơi thờ thánh. Nhìn tổng thể, ngôi chùa có hình “nội công ngoại quốc” bởi hai bên có hai dãy hành lang.
Đường về ngôi chùa cổ nhất nước Việt - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Chùa thờ Phật và còn thờ đức Thánh Bối. Ngài có tên là Nguyễn Bình An, quê ở Bối Khê, đến tu ở chùa Tiên Lữ (nay thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây), được chính quả và đã thành Thánh. Sự tích về ngày có nhiều yếu tố hoang đường kỳ ảo, nhưng đó là hình thức nghệ thuật dân gian nhằm tôn vinh một vị cao tăng đã trở nên linh thiêng trong dân chúng.
Đức thánh Bối và phật Quan Âm - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Ngôi chùa còn bảo tồn được một toà Thượng điện nghệ thuật kiến trúc thời Trần (Thế kỷ XIV), một nhang án đá hoa sen hình hộp chữ nhật có niên đại tương đồng với toà Thượng điện, một hệ thống trong thờ có niên đại trải dài từ Thế kỷ XVI đến XIX và nhiều mảng kiến trúc nghệ thuật khác. Cũng ở nơi đây còn bảo tồn được những tập tục lễ nghi thờ phụng, những hình thức sinh hoạt văn hoá nghệ thuật dân gian phong phú và sinh động.
Kiến trúc cổ kính - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Đáng chú ý ở tòa tiền đường là hệ thống cột bằng đá xanh. Trên các cột đá có chạm nhiều đôi câu đối ca ngợi cảnh chùa. Bên trái tiền đường có một am nhỏ thờ bà công chúa thời Mạc đã có công tu sửa chùa. Hai dãy hành lang ở hai bên được xây dựng song song, mỗi bên có bảy gian. Nơi đây thờ 18 vị La Hán.
18 Vị La Hán bên hang lang phải của Chùa - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Chùa Bối Khê còn nhiều hiện vật quý giá như có tới 10 tấm bia, trong đó bia cổ nhất là “Bối động thánh tích bi ký” có từ năm Thái Hòa thứ 11 91453) nhưng cũng là tấm bia mới nhất vì được khắc lại năm Thành Thái thứ 7 (1895) kể lại sự tích đức Thánh Bối với nhiều tình tiết ly kỳ. Tiếp theo là bia “Đại bi tự” dựng năm Hồng Thuận thứ 7 (1515) ngoài việc nói thêm về đức Thánh Bối còn cho biết việc tu sửa chùa ở đầu thế kỷ XVI. Hiện vật đá đặc biệt quý hiếm là chiếc bệ hoa sen khối hộp, các góc chạm chim thần, trên chạm đài sen, dưới chạm sập thờ, mặt trước có chạm rồng và nhiều loài thú, do vị đạo sỹ ở Quốc Oai cúng tiến. Ngày 20-4-1979, Bộ VHTT đã công nhận chùa Bối Khê là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt.
Các tấm bia đá cổ - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Hội chùa Bối Khê được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Ngày hội đến, dân làng sắm lễ như tết nguyên đán. Những ngày này cháu con, họ hàng xa gần và bạn bè thường về trẩy hội. Cư dân người Việt là cư dân trồng lúa nước. Xưa, vì khoa học kỹ thuật chưa được phát triển, không có hệ thống kênh mương tưới tiêu đồng ruộng như ngày nay nên việc trồng lúa lệ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Hạn hán thì thiếu nước, mùa vụ khó khăn, còn lũ lụt thì ngập úng, mùa màng thất bát… đều làm cho đời sống gieo neo vất vả.
Các góc nhìn bên ngoài chùa - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Người ta tin rằng có những vị thần làm ra mưa, chẳng hạn như Mẫu Thoải (Mẫu Đệ Tam, trong hệ thống Tam Toà Thánh Mẫu) hoặc như Tìân Mây (Pháp Vân), Thần Mưa (Pháp Vũ), Thần Sấm (Pháp Lôi), Thần Chớp (Pháp Điện) trong hệ thống Tứ Pháp. Điều lý thú là từ Mẫu Thoải đến các vị thần Tứ Pháp đều mang lối hình nữ giới. Có lẽ các vị thần này được sản sinh trong tâm thức người Việt từ thời Mẫu hệ ? Điều chắc chắn là người Việt có truyền thống tôn vinh người mẹ. Dòng chảy về hình tượng người mẹ (khởi nguồn từ mẹ Âu Cơ) và dòng chảy về hình tượng thần thiêng “đẻ nước” đã hội nhập trên thần điện Việt Nam để cùng hoá thân thành các vị thần chủ về nguồn nước như Mẫu Thoải và các vị thần Tứ Pháp.
Lễ hội chùa Bối Khê - Nguồn: Nguothanhoai.vn
Trong khuôn viên chùa Bối có điện Mẫu thờ Tam Toà Thánh Mẫu, gồm mẫu Thượng Thiên, mẫu Địa và mẫu Thoải. Trên điện thờ, ba pho tượng Mẫu ngồi cùng hàng, đều ở tư thế hai chân xếp tròn theo thế âm dương, hai tay để trong lòng, đầu đội mũ, mình mặc yếm áo truyền thống dân tộc, khuôn mặt trái xoan, cổ cao ba ngấn, dáng vẻ hiền từ đức độ.
Quang cảnh của Chùa Bối Khê - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Giống như một số chùa thờ thánh khác (chẳng hạn như ở chùa Thầy xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai), ở chùa Bối không có hiện tượng truyền thừa. Việc hương đăng lễ bái chủ yếu do ông thống hoặc bà tự. Hịên tượng sư đến chùa là mới có khoảng trăm năm nay, khi mà ý nghĩa xa xưa đã phai mờ.
Lối xuống địa đạo có từ thời chống Pháp
Chuông cổ, sen đất và lối vào chùa Bối Khê - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Dù được công nhận là di tích quốc gia hạng đặc biệt, là một trong sáu di tích quan trọng hàng đầu của Hà Tây cũ (cùng với chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Đậu, làng cổ Đường Lâm), lại nằm trong vòng cung du lịch chùa Hương - Quan Sơn - làng nghề Hà Tây nhưng đến nay chùa Bối Khê vẫn vắng vẻ khách thập phương, người hành hương, chiêm bái di tích. Một ngôi chùa cổ kính nhất, độc đáo vào bậc nhất VN, ngát hương sen kỳ lạ vẫn chưa được mấy người biết đến.
Phương Thảo - Thanh Oai