Kết nối bốn phương

CỔNG LÀNG - NHÀ THƠ ĐOÀN MẠNH PHƯƠNG

(2015/4/9 23:50) - Nguồn:

 "Cổng làng" - Một bài thơ kinh điển của nhà thơ Đoàn Mạnh Phương, đã khiến cho bao nhiêu Người con Thanh Oai khi biết tới đã "bị" anh chạm đến tâm khảm sâu lòng của tình yêu quê hương, tưởng chừng nó bị cuốn phăng khỏi cuộc sống vội vã hàng ngày trong "thế giới phẳng" thế kỷ 21.

 

 

Người Thanh Oai quả thực như duyên phận trời se để được biết đến nhà thơ Đoàn Mạnh Phương, 15 năm cách đây tình cờ gặp Anh trong một lễ hội thơ xuân 2000 tại Văn Miếu, Hà Nội. Ngày đó, Anh Phương là một một thi sĩ thầm lặng say mê với những vần thơ, kiệt tác giới thiệu trên tay chiếc máy ảnh nhỏ đi tìm kiếm áng thơ văn trong cuộc sống. 

 

Không ít lần tôi đã đọc đi đọc lại một bài thơ nào đó của Đoàn Mạnh Phương và cũng không ít lần, tôi đã phải ngỡ ngàng dừng lại, đắm chìm cảm xúc của mình trong một ý thơ, một hình ảnh đầy ấn tượng và góc cạnh trong thơ của anh. Nhưng có lẽ không bao giờ và không làm sao bứt ra được khỏi ý nghĩ của mình hình ảnh về một vết nứt nham nhở, thô nhám trên một cái cổng làng cũ kỹ, cổ kính rêu phong của một làng quê nghèo vùng đồng bằng Bắc Bộ mỗi khi có ai đó nhắc đến tên anh.

 

Không khí hội thơ tại Văn Miếu - Nguồn: Nguoithanhoai.vn

 

Đó là vết nứt của thời gian, vết nứt của ký ức tuổi thơ xa vời và mờ ảo hay là vết nứt của lòng người phải dứt bỏ làng quê ra đi trong bộn bề nỗi lo cơm áo, khi ngày ngày phải vật lộn cùng với nhọc nhằn, vất vả trong cuộc mưu sinh, giờ gặp lại những điều thân thuộc. Vết nứt ấy là một nhân chứng cho sự chịu đựng bền bỉ của chiếc cổng làng, nơi quy tụ mọi nét đẹp văn hoá đời thường khi phải gánh trên đôi vai của mình những thăng trầm của lịch sử, những lo toan, nỗi niềm của bao thế hệ người dân quê, bao nỗi vui buồn, cay đắng, cơ cực của những con người lam lũ một nắng hai sương. Một chiếc cổng làng mà rất ít người nhìn thấy và chú ý tới vết nứt của nó:

 

Những cơn gió vịn vào vết nứt cổng làng tôi
Mùi rơm rạ bế tôi lên bằng đầm đìa ký ức
Lưng bà đã còng hơn
Lúa phơi như nước mắt
Những mùa đông hốc hác gọi tên chồi

 

 

Giọng thơ Đoàn Mạnh Phương rất đằm, nhưng trong mỗi câu chữ, mỗi hình ảnh lại đầy góc cạnh, đến nỗi, người đọc có cảm tưởng rằng: Anh đang viết về quê hương với tình yêu say đắm đấy, nồng nàn đấy nhưng anh cũng đang ngồi nhâm nhi những mảng ký ức ngọt ngào, đẹp đẽ của mình trước cuộc sống hiện đại và bận rộn. Từ trong tiềm thức xa xăm của anh, một bóng dáng quê hương thuở nào lại hiện về lành lặn và nguyên sơ, thanh thản và bình dị, lam lũ đói và thuỷ chung, nặng tình, nặng nghĩa.

 

Mọi người dân quê ngày ấy hình như thương nhau hơn, gần gũi nhau hơn, lo lắng, cảm thông và biết chia sẻ cùng nhau, cũng như biết quan tâm tới tất cả những gì đang đổi thay, dù là nhỏ nhất trong cái làng quê nhỏ bé này. Anh nuối tiếc đấy, nuối tiếc về một làng quê nghèo như cổ tích với tấm lưng còng của bà, với hành trình vất vả của những hạt thóc vàng và những "mùa đông hốc hác" như ánh mắt thiếu ngủ của người dân quê trong những ngày mùa.

 

 

Anh thật hạnh phúc khi trong anh còn nguyên vẹn kí ức của tuổi thơ với ắp ứ những kỉ niệm về chiếc cổng làng. Còn tôi, khi sinh ra thì chiếc cổng làng từ bao giờ đã trở thành một huyền thoại đẹp của một làng quê nghèo trong lời kể của bà, của mẹ. Nhưng tôi hiểu anh, thấm thía được những nức nở trong anh khi chợt bùi ngùi nghĩ đến dấu chân của ông, của cha và của những chàng trai làng khoẻ mạnh, không chịu khuất phục cuộc sống đói nghèo đã ra đi từ chiếc cổng làng mà không hẹn ngày trở lại:


Hơi thở của mùa màng rung qua tuổi thơ tôi
Có tiếng chim hót vào tim
Kể về vết nứt ở cổng làng
Về dấu chân của ông tôi, của cha tôi và nhiều người khác nữa
Từ cổng làng ra đi
Khi bình minh chưa vỡ
Chẳng kịp về gọt vỏ những mùa trăng...

 

 

Tình cảm của anh với quê nhà thật mặn mà, sâu nặng. Anh lo cho số phận của từng người dân quê khi phải tha phương cầu thực, tứ cố vô thân. Anh cũng trách lòng người dễ đổi thay, khi gặp được những hoàn cảnh dễ chịu hơn, nhiều người vốn là nông dân chân chất, hiền lành cũng khác đi, không còn là mình nữa. Anh thương từng vệt vôi loang lổ ở trên tường, thương những vết nứt thời gian đầy phũ phàng với nắng mưa và với những kỉ niệm xa lắc xa lơ của thời ấu thơ mà anh đang tìm kiếm, chắp nhặt, nâng niu:


Từng vệt vôi loang lổ ở trên tường
Với vết nứt ở cổng làng
Cổ tích như dòng sông chảy vào tuổi nhỏ

 

 

Anh chợt giật mình, chợt ngỡ ngàng khi nghe lời bà ngậm ngùi kể chuyện về những đứa con nhà đất cát từng cắp nón dời quê, đang thành đạt nơi xa:


Bao tướng tá, nhà văn, tiến sĩ
Sinh ra từ vết nứt cổng làng tôi!

 

Nếu anh cứ gắn bó cuộc đời mình với ngôi làng nhỏ này, với những con người lam lũ, với những nỗi lo cơm áo canh cánh trong lòng mà không rời làng ra đi theo những ước mơ, những khát vọng, để thành đạt, liệu anh có để ý nhiều và bị ám ảnh bởi cái vết nứt ở cổng làng kia không, để đến nỗi, trong cả bốn khổ thơ, anh đều trăn trở với vết nứt này, với từng mảnh đời, từng số phận, từng mảng kỉ niệm nhưng nhức ùa về cùng với bao tâm trạng buồn vui? Bao nhiêu năm xa quê với bộn bề công việc mà anh vẫn không quên được làng quê của mình, vẫn hướng về cái cổng làng đang đổi thay một cách âm thầm, lặng lẽ. Không biết là bà của anh, hay chính bản thân anh đang lặng lẽ đếm lại, điểm lại những gương mặt người làng đang thành đạt nơi xa xem có người nào còn nhớ tới làng, người nào vô tâm quên mất một lối về.

 

 

Chỉ có ai tha thiết với quê nhà mới không quên đi được cái tuổi thơ nghèo hèn, lam lũ của mình. Phủ nhận quá khứ là bất nhân, là có tội. Phủ nhận tương lai là hèn hạ, bạc nhược. Anh hiểu rằng, tương lai của làng sẽ còn nhiều người thành đạt và ra đi từ vết nứt của cổng làng. Vết nứt ấy như truyền thống hiếu học và ý chí tiến thủ đã ăn sâu, bám rễ vào tiềm thức của những con người lam lũ, đang khát khao thay đổi số phận của mình. Họ có tổ tiên phù hộ, có làng quê chở che, nâng đỡ. Và Đoàn Mạnh Phương mong mỏi ở họ đừng quên vết nứt của cổng làng, đừng quên gốc gác, nguồn cội, nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng mình trưởng thành.

Trọng Hoàng - Thanh Oai

Tags:
Các tin liên quan

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Danh nghiệp Thanh Oai
TRUONG THANH VFCC DONG DUOC PHUC HUNG LOGO THANH OAI CONG TY VAN TAI HA TAY 6 8 8
2020/10/23/anh-nen-ba9ad5da2fd929e65e4f698a6112fb67-1_23-10-2020-02-31-32.png
null.gif
BACK TO TOP