Di tích văn hóa văn minh Thanh Oai - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Nằm ở phía Tây Nam của Hà Nội, địa bàn huyện Thanh Oai liền kề với quận Hà Đông và huyện Thanh Trì. Phía Đông giáp huyện Thường Tín. Phía Tây tiếp giáp huyện Chương Mỹ. Phía Bắc giáp với quận Hà Đông. Phía Nam giáp với huyện Ứng Hòa và huyện Phú Xuyên.
Sự hình thành địa dư hành chính của huyện là cả một quá trình đấu tranh chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm để xây dựng quê hương đất nước. Qua địa phận huyện có quốc lộ 21B, có sông Đáy (phía Tây), sông Nhuệ Phía Đông.
Vị trí địa lợi của Thanh Oai - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Ở giai đoạn này, đất Thanh Oai thuộc Bộ Giao Chỉ. Bằng chứng của vùng dất là năm 1968, các nhà khoa học đã khai quật di chỉ ở xã Hữu Hòa, phát hiện được 72 hiện vật đá và một con giao găm bằng đồng, thuộc văn hóa Đông Sơn. Trên đất Bình Đà (xã Bình Minh), Ước Lễ (xã Tân Ước) tìm thấy trống đồng cổ, ở Vân Nội ( xã Phú Lương) phát hiện trống đồng Đông Sơn và ở xã Thanh Mai tìm thấy được quả chuông cổ.
Việc phát hiện ra trống đồng cổ, chuông cổ hiện vật đá và dao găm đồng, đã minh chứng về vùng đất Thanh Oai sớm là nơi quần cư của cộng đồng người Việt cổ ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Năm 1207 thời Lý Cao Tông đã hihf thành địa danh Thanh Oai.
Văn minh văn hóa Thanh Oai - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Đến triều đại nhà Trần, đất Thanh Oai nằm trong lộ Đại La Thành gồm các huyện: Thanh Oai, Sơn Minh, Ứng Thiên, Đại Đường, Thượng Phúc, Phù Lưu thuộc châu Quốc Oai. Nhà Minh (Trung Quốc) xâm lược nước ta, chúng chia nước Đại Việt làm 15 quận, trong đó Giao Châu phân làm 5 châu: Từ Liêm, Uy Man; Lối Nham, Phúc An, Tam Đới và 13 huyện, trong đó có huyện Thanh Oai. Sách Đại Nam nhất thống chi có ghi: Thời thuộc Minh huyện này thuộc châu Uy Man, lộ phủ Giao Châu.
Sau khi đánh đuổi quân Minh, khôi phục nền độc lập, Lê Lợi chia đất nước thành 5 đạo, đất Thanh Oai thuộc Tây đạo. Năm Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466), vua Lê Thánh Tông phân nước Đại Việt làm 12 đạo Thừa Tuyên, vùng đất Thanh Oai thuộc Sơn Nam Thừa Tuyên. Đến năm Quang Thuận thứ 10 (1469), vua Lê đã phân định lại để thống nhất các phủ, huyện vào các Thừa Tuyên. Huyện Thanh Oai quản lãnh 12 tổng, 93 xã – thôn – trang và cùng với 3 huyện: Sơn Minh, Chương Đức và Hoài An nằm trong phủ Ứng Thiên của Sơn Nam Thừa Tuyên. Dưới thời Cảnh Hưng, Sơn Nam Thừa Tuyên phân lại làm hai lộ: Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ. Huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên thuộc Sơn Nam Thượng. Đến chiều đại Tây Sơn (1778-1801) lại đổi thành trấn.
Lịch sử chia tách Thanh Oai - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Đến đời nhà Nguyễn, năm Gia Long thứ nhất (1802), chia lại địa giới hành chính trong cả nước. Bắc Thành tổng trấn gồm 11 trấn. Huyện Thanh Oai thuộc phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Theo sách: Các trấn tổng xã danh bị lãm, viết ở triều Gia Long (khoảng từ năm 1810 – 1819) thì huyện Thanh Oai gồm 12 tổng, 94 xã – thôn – trang – phường. 12 tổng có tên gọi là: Thượng Thanh Oai, Tả Thanh Oai, Thắng Lãm, Đồng Dương, Bảo Đà, Đại Định, Bối Khê, Nga My, Thì Trung, Động Cứu, Ước Lễ, Tuyền Cam.
Trong số 12 tổng đó, thì địa giới của hai tổng Thượng Thanh Oai và Tả Thanh Oai ở tận cùng phía Bắc và Đông Bắc rất gần với kinh thành Thăng Long. Địa giới của tổng Thượng Thanh Oai lúc đó có 9 xã – thôn gồm: Yên Phúc, Cầu Đơ, Cầu Trì (tức Hà Trì) thuộc xã Thượng Thanh Oai,; Xa La; Yên Xá, Mậu Lương thuộc xã Trung Thanh Oai; Đa Sỹ; Triều Khúc và Trang Văn Quán. Địa giới của tổng Tả Thanh Oai gồm 7 xã thôn là: Tả Thanh Oai, Hữu Thanh Oai, Phú Diễn, Khúc Thủy, các thôn: Đại Hành, Cự Đà, Nguyễn Thượng thuộc xã Hạ Thanh Oai.
Một góc sông đáy - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Sách Đại Nam nhất thống chí, tập 3 trang 169 ghi rõ: “ Huyện Thanh Oai ở cách phủ Ứng Hòa 17 dặm về phía Đông Bắc; Đông Tây cách nhau cách nhau 11 dặm; Nam Bắc cách nhau 33 dặm, phía Đông đến địa giới hai huyện Thượng Phúc và Thanh Trì, phủ Thường Tín 7 dặm, phía tây đến địa giới huyện Chương Đức 4 dặm, phía Nam đến địa giới huyện Sơn Minh 20 dặm, phía Bắc đến địa giới huyện Từ Liêm 13 dặm”.
Huyện lỵ đầu tiên của Thanh Oai được đặt ở địa phận Thượng Thanh và Ninh Dương. Thành phủ xây dựng khá quy mô theo hình vuông, rộng chừng 6 mẫu Bắc Bộ. Thành lũy đắp bằng đất khá kiên cố và vững chắc, cao từ 3-4 mét, bề rộng chừng 7 mét, chi vi dài chừng 570 mét. Bên ngoài thành có hào sâu rộng, trên mặt thành có lũy tre đậu kín. Bốn góc thành có đồn canh. Thành phủ có một cửa ra vào về phía Nam đi thẳng ra đường 71.
Thành phủ cổ xưa - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Nội thành có hai tòa công đường ở trung tâm, có đền Bách Linh ở góc Tây Nam dùng để tế lễ và là nơi ban bố các chiếu chỉ sắc phong về các địa phương. Thành còn có trại lính và hai trại giam. Đến năm Gia Long thứ 17 (1818) triều Nguyễn, huyện lỵ Thanh Oai được dời về đóng tại xã Bảo Đà ( Bình Đà). Như vậy, sách: Các trấn tổng xã danh bị lãm là một cuốn sách vô cùng quý giá, là nguồn tư liệu để chứng minh cho toàn bộ vùng đất huyện Thanh Oai trước khi có triều đại nhà Nguyễn.
Thùy An - Thanh Oai