Kết nối bốn phương

Làng Chuông: Miền ký ức tuổi thơ tôi!

(2019/10/4 16:28) - Nguồn:

Rời khỏi làng quê đã bao năm dài đằng đẵng, thế nhưng hình ảnh về một ngôi làng thân thương, mà ở đó có lũy tre kẽo kẹt trưa hè, những ngôi nhà mái tranh lúp xúp ẩn hiện bên các vườn trái cây sum xuê vẫn luôn in đậm trong tâm trí tôi.

 

Tôi sinh ra ở làng mà nơi đây có đủ đầy hình ảnh cũng như những nét đặc trưng nhất của một làng quê Bắc Bộ, đó là cây đa, giếng nước, sân đình. Hơn thế nữa, làng tôi còn cả một bên sông êm đềm với những con thuyền đưa rước khách, cùng tiếng gọi đò í ới mỗi buổi sớm mai hay hoàng hôn chạng vạng. Qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, nhưng với tôi, những năm tháng ấu thơ sống trong vòng tay yêu thương của mẹ cha, nơi xóm thôn nghèo khó có lẽ là dấu ấn không bao giờ có thể mờ phai.

 

Tôi còn nhớ, làng tôi có hình hài uốn lượn tựa như rồng, với cái đầu rồng thì hướng đầu về vạt bãi bồi ven sông, còn cái đuôi của con rồng kéo dài xa tít bên nương ngô mướt xanh.

 

Theo các bậc tiền tối của làng kể lại thì cách đây mấy trăm năm, khi dân chài lưới trên sông thấy quãng đất bồi phẳng phiu, màu mỡ đã dừng chân lập làng sinh sống. Mới đầu chỉ có một ít hộ dân, qua thời gian, số hộ dân cứ nhiều lên để rồi làng phình to, chiếm hết khoảng diện tích bãi bồi ven sông. Bên đồ nằm ở đoạn giữa của làng, nơi ấy cũng có một cái chợ.

 

Chợ họp cách ba ngày một phiên, là nơi mua bán trao đổi hàng hóa thổ sản của các làng trong vùng, cũng như các làng ở bên kia sông mang sang. Những ngày bình thường thì bến đồ chỉ thưa thớt vài chuyến đưa đón khách qua sông. Tôi cũng hay được mẹ cho đi theo ra chợ với nhiệm vụ trông quanh gánh ngoài cổng chợ, để mẹ mải lo bán mua. Xong phiên chợ, mẹ chẳng bao giờ quên mua cho tôi, khi thì mấy cái kẹo bột, lúc lại mấy cái bánh rán đường, có nhiều bữa là túi bỏng ngô nếp thơm phức… Nói chung theo mẹ đi chợ làng bao giờ tôi cũng được ăn quà thỏa thích. Quà mẹ mua tôi ăn từ chợ, ăn trên đường, về tận nhà vẫn còn.

 

Tuổi thơ tôi còn có biết bao những trưa hè oi ả cùng đám bạn ra vạt sông ở bìa làng để tắm mát. Dòng nước mùa lũ thường dâng đây, và cuồn cuộn chảy nhưng lũ trẻ chúng tôi chẳng đứa nào sợ. Bởi đứa nào đứa nấy đều được người lớn dạy cho tập bơi từ khi mới chập chững biết đi. Năm vào lớp 1 trường làng, khi ấy mới tròn 6 tuổi vậy mà tôi đã bơi rất cừ.

 

 

Nhịp sống trong ngôi làng tôi thủa ấy luôn thanh bình, êm ả, và chỉ nhộn nhịp khi mua thu hoạch ngô, khoai tới mà thôi. Người dân quê chỉ trông vào nguồn thu từ những bắp ngô, củ khoai nên cuộc sống đầy gian nan vất vả. Nhà ai cũng phải căng mình để bươn trải và vượt khó. Nhà tôi cũng như nhiều nhà khác trong làng, bữa ăn chỉ quẩn quanh với cơm độn mà thôi, chứ chẳng mấy khi được ăn cơm trắng.

 

Cuộc sống đang êm đềm trôi đi thì bước ngoặt khiến tôi phải rời xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đó là năm tôi vừa hết cấp 2, bố mẹ tôi quyết định đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên, theo chính sách điều động giãn dân của nhà nước. Làng tôi ngày ấy có tới cả vài chục hộ dân cùng đi kinh tế mới. Chuyến đi đó biết bao bùi ngùi nhớ thương cùng những dòng lệ tuôn trào giữa những người ra đi và những người ở lại. Với tôi, dẫu vẫn còn nhỏ, nhưng cũng có vô vàn nỗi nhớ, từ nỗi nhớ bạn bè, trường lớp, thầy cô… cho đến hình bóng của ngôi làng, của bến đò, của sự nhộn nhịp những hôm chợ làng vào phiên…

 

 

Khi tôi trưởng thành, cũng đã vài lần được trở về thăm nơi mình sinh ra và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm. Thế nhưng, làng của tôi giờ đây không còn như xưa nữa. Bóng dáng của những lũy tre rợp mát đã vắng bóng sạch, những nếp nhà tranh đã được thay thế bằng các ngôi nhà mái ngói, nhà cao tầng khang trang, nhất là bên đồ xưa không còn nữa cảnh thuyền tấp nập qua lại đôi bờ…

 

Nhìn cảnh làng quê thay da đổi thịt, kinh tế đi lên, nhưng sao tôi cứ xa xót, bâng khuâng, lưu luyến một miền ký ức tuổi thơ đến lạ...

Ngọc Tuyết – Làng Chuông, Thanh Oai

Tags:
Các tin liên quan

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Danh nghiệp Thanh Oai
TRUONG THANH VFCC DONG DUOC PHUC HUNG LOGO THANH OAI CONG TY VAN TAI HA TAY 6 8 8
2020/10/23/anh-nen-ba9ad5da2fd929e65e4f698a6112fb67-1_23-10-2020-02-31-32.png
null.gif
BACK TO TOP