Kết nối bốn phương

Nghìn năm lễ hội làng Mai

(2018/1/14 21:53) - Nguồn:

Ngày 01/01/2018, tức ngày rằm tháng 11 năm Đinh Dậu, tôi về dự hội làng Mai. Thường thì các lễ Hội làng sau tết Nguyên Đán, nhưng lễ hội làng Mai hàng năm mở vào ngày rằm tháng 11 Âm lịch. Đây là một trong những lễ hội cổ xưa của nước ta. Theo các sắc phong hiện còn được giữ nguyên vẹn trong đình làng Mai thì Hội làng Mai từ năm 968, khi Đinh Bộ Lĩnh mới lên ngôi Hoàng đế. Như vậy, tính đến nay Hội làng Mai đã có lịch sử hơn 1.000 năm rồi.

 

 Quang cảnh đình lễ hội làng Mai - Ảnh: Xuân Kỷ - Tam Anh studio

 

Lịch sử Hội làng Mai

Hội làng Mai liên quan đến chiến công dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh quê ở Hoa Lư (Ninh Bình) là con Đinh Công Trứ, trước làm Thứ sử Châu Hoan, đời Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền. Bố mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh ở với mẹ, chơi với trẻ chăn trâu, thường lấy bông lau làm cờ, bày trận đánh nhau. Lớn lên, Đinh Bộ Lĩnh đến nương nhờ Trần Lâm, tức Trần Minh Công một sứ quân ở Bố Hải Khẩu (tỉnh Thái Bình ngày nay). Thấy Đinh Bộ Lĩnh dung mạo khác thường và tài cầm quân nên Trần Lâm giao binh quyền cho. Sau khi Ngô Quyền mất, đất nước bị loạn nhỏ thành 12 sứ quân và 12 mảnh nhỏ. Các sứ quân đánh nhau liên miên, nhân dân cơ hàn khốn khổ. Sau khi Trần Lâm mất, Đinh Bộ Lĩnh chỉ huy quân đội quyết tâm dẹp loạn 12 sứ quân để thống nhất đất nước.

 

Múa lân - Nét văn hóa đặc sắc lễ hội - Ảnh: Xuân Kỷ - Tam Anh studio

 

“ Xây vần trong cuộc tang thương

Trải bao phân loạn mới sang trị bình

Có ông Bộ Lĩnh họ Đinh

Con quan Thứ Sử ở thành Hoa Lư

Khác thường từ thuở còn thơ

Rủ đoàn mục thụ mở cờ bông lau

Dập dìu kẻ trước người sau

Trần ai đã thấy vương hầu uy dung

Một mai về với Trần Công

Hiệu xưng Vạn Thánh anh hùng ai qua

Bốn phương thu lại một nhà

Mười hai sứ tướng đều là quyết thanh”

(Đại nam Quốc sử diễn ca – La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn)

 

Nhộn nhịp khách, người con làng Mai bốn phương - Ảnh: Xuân Kỷ - Tam Anh studio

 

Khi xuất quân từ Thái Bình lên, đền Hà Đông thì trời đã tối rồi, Đinh Bộ Lĩnh cho quân đóng trại trên đất làng Mai, nay là thôn Nga Mi Hạ, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Đêm ngủ trong đình làng Mai, Đinh Bộ Lĩnh được Thần Hoàng làng Mai báo mộng cho kế sách dẹp loạn 12 sứ quân. Sáng hôm sau, Đinh Bộ Lĩnh hội kiến với các bô lão làng Mai rồi làm lễ xuất quân. Ông đánh đâu thắng đấy, được nhân dân tôn là Vạn Thắng Vương. Sau chiến thắng, Đinh Bộ Lĩnh trở lại đình làng Mai. Nhân dân làng Mai mở hội khao quân suốt 07 ngày, từ 15 đến 22/11 năm 967. Đó là 07 ngày đình làng Mai rợp cờ súy và sáng lòa binh khí. Quân sĩ múa võ, bày trận, trai gái làng Mai múa hát trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã. Người làng Mai mổ bò, mổ lợn khao quân. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế. Vua Đinh phong cho làng Mai bốn chữ “Báo quốc công thần”. Trong sắc phong này, Đinh Tiên Hoàng còn cho phép người làng Mai được mở hội kéo dài 07 ngày, từ ngày 15 đến ngày 22/11 âm lịch. Bây giờ các sắc phong của Đinh Tiên Hoàng còn được lưu giữ nguyên vẹn trong đình làng Mai. Khi cho phép người làng Mai mở hội, Đinh Tiên Hoàng cũng cho phép được cắm cơ hiệu của vua trước sân đình. Vì thế, ngày nay khi làng Mai mở hội thi lá cờ đại kéo lên trước sân đình có một chữ Đinh thêu trên nền lụa đỏ - đó là cờ vua. Như vậy vào thời đó, hội làng Mai đã vượt qua phạm vi lễ hội của một làng và trở thành Quốc hội.

 

Lễ tế trong ngồi đình nghìn năm tuổi - Ảnh: Xuân Kỷ - Tam Anh studio

 

Giai thoại cô Tấm làng Mai

Có chuyện kể rằng một lần Hoàng từ Đinh Hạnh Lang về Hội làng Mai, tình cờ nhặt được một chiếc hài gấm rất đẹp. Hoàng tử đã tìm được người con gái đánh rơi hài, cho là duyên kỳ ngộ nên nên cưới làm Hoàng tử phi. Đó là cô Tấm làng Mai. Nhưng đây là chuyện trong dân gian, không được ghi trong sử sách. Tuy vậy, trong Hội làng Mai bây giờ, khi các bà người làng Mai vào dâng rượu, dâng hương lên Đinh Tiên Hoàng, đều đội khăn xếp màu vàng, mặc áo lụa vàng, chân đi hài gấm, đẹp như cô Tấm ngày xưa.

 

Lễ hội làng Mai ngay nay và Rượu “Nếp cái hoa vàng” tiến vua

Hội làng Mai năm 2017 rất đông. Con cháu người làng Mai làm ăn ở xa đều quần tụ về làng để dự hội, có khoảng 2.000 người. Hội làng có văn, có võ, có lễ, có hội và có tiệc thịnh soạn. Cả một rừng người và một rừng cờ. Trẻ con nhảy múa vui chơi trên khoảng đất rộng trước sân đình. Hàng hóa bày la liệt ở chợ Mai, chủ yếu là đồ lễ và hàng lưu niệm. Sau khi các bô lão làm lễ tế thì các đoàn lần lượt vào hành lễ. Sau đó là Hội, trai gái làng Mai hát những bài ca truyền thống quê hương.

Đến giữa trưa thì vào yến tiếc. Mọi người nâng cao chén rượu làng Mai, chúc nhau sức khỏe. Rượu làng Mai rất ngon, xưa là rượu "Tiến Vua". Đinh Tiên Hoàng xuống chiếu cho làng Mai được nấu rượu tiến vua. Rượu tiến vua không bán, triều đình không trả tiền, nhưng làng Mai được miễn hoàn toàn thuế ruộng.

Không khí chén rượu Tiến Vua - Ảnh: Phương Anh

 

Tổ chức một lễ hội có hàng nghìn người dự không dễ, người không có tài tổ chức không làm nổi. Ông trưởng thôn Nguyễn Xuân Cử đã 18 lần tổ chức hội làng Mai và Hội sau to hơn Hội năm trước. Vì thế mà nhân dân làng Mai tín nhiệm bầu ông Cử làm trưởng thôn liên tục 9 khóa liền.

Hội làng Mai tôn vinh võ công, văn trị của các bậc tiền viễn tổ và phát huy truyền thống quê hương. Trong hai cuộc chiến tranh quốc vệ, nhân dân làng Mai đã đóng góp đầy đủ sức người và sức của cho Tổ quốc, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Hội làng Mai cũng là lễ hội đoàn kết. Người làng Mai dù ở đâu cũng tổ chức câu lạc bộ người con làng Mai, giúp nhau phát triển kinh tế và hướng về quê tổ. Ông trưởng thôn Nguyễn Xuân Cử nói với chúng tôi “ Đoàn kết là sức mạnh lớn của làng Mai. Nếu không đoàn kết thì chúng tôi không làm được gì cả, tổ chức một lễ hội truyền thống, nếu không có sự đồng lòng, chung sức của cả làng thì cũng không làm được”.

Những địa danh có từ thời Đinh Tiên Hoàng ở làng Mai giờ vẫn còn nguyên. Vẫn còn chợ Mai, bến Mai, trại Mai. Nơi ngày xưa quân Đinh Bộ Lĩnh tập kết giờ là doanh trại của trường dự bị bay, bộ đội không quân, nhưng vẫn lấy tên là trại Mai. Đất làng Mai là Địa Linh.

 

Làng quê Thanh Mai đã và đang từng bước đổi mới- Ảnh: Xuân Kỷ - Tam Anh studio

 

Nhà văn hòa tâm linh Nguyễn Đức Cần đã đi rất nhiều nơi thuộc các tỉnh phía Bắc. Năm 1950 ông di tản từ Hà Nội về làng Mai một thời gian, ở nhà ông Bùi Văn Hồ (Xóm Thượng) – một ông đồ nho trong làng. Con gái đầu của ông Hồ - chính là con ruột của ông Cần. Ông Cần chữa bệnh cho hàng vạn người từ người cấp cao trong chính trị tới thường dân nghèo khổ khắp nơi. Và cuối cuối cùng, khi qua đời ông đã chọn đất làng Mai làm nơi an nghỉ vĩnh hằng. Người làng Mai tôn kính cụ, thường vẫn dân hương hoa viếng cụ.

Hội làng Mai giờ vẫn kéo dài 7 ngày. Làng tổ chức ngày khai hội và ngày mãn hội. Còn 5 ngày khác thì các xóm tổ chức, mỗi xóm một ngày. Suốt 7 ngày ở làng Nga Mi Hạ luôn rộng rã tiếng trống hội, tiếng hát của nam nữ thanh niên và tiếng trống cổ vũ của các đội múa lân - vốn là đặc sản nơi đây (Múa lân làng Mai từng nhiều năm diễn biểu diễn văn hóa quốc tế tại Thủ đô Hà Nội năm 2012-2015). Các bô lão ở làng Mai cho tôi biết: “ Năm 1972, vì Mỹ ném bom rải thảm ở Hà Nội nên Hội phải thu nhỏ lại, chỉ tế lễ thôi chứ không múa lân, không ca hát, không mở tiệc. Còn lại năm nào làng chúng tôi cũng tổ chức lễ hội tưng bừng như thế này. Hội làng có hơn 1.000 năm rồi. Đây là dịp các thế hệ con cháu nhớ đến tổ tiên. Hơn 4.000 năm qua, chúng ta chưa bao giờ mất làng, mặc dù nước thì đã có khi mất”.

Dưới mái đình cổ nghìn năm, tôi dâng nén hương tưởng nhớ Đinh Tiên Hoàng và nâng chến rượu tiến vua mừng thọ các bô lão làng Mai, sao mà vui mà thiêng liêng thế.

Ngọc Tuệ - Báo Tuổi trẻ và Đời sống

Tags:
Các tin liên quan

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Danh nghiệp Thanh Oai
TRUONG THANH VFCC DONG DUOC PHUC HUNG LOGO THANH OAI CONG TY VAN TAI HA TAY 6 8 8
2020/10/23/anh-nen-ba9ad5da2fd929e65e4f698a6112fb67-1_23-10-2020-02-31-32.png
null.gif
BACK TO TOP