Các ban ngành của Huyện phối hợp tổ chức nâng cao thu nhập từ làng nghề cho người dân - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Năm 2014 - 2015, Xác định nền kinh tế nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo, nên cùng với việc khơi dậy tiềm năng vốn có của quê hương Thanh Oai đất huyện trăm nghề, ban lãnh đạo huyện định hướng, khuyến khích các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống phát triển. Công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo truyền nghề được đẩy mạnh nhằm cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các làng nghề và tạo điều kiện cho nhiều lao động có việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần tích cực vào thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển, xây dựng quê hương Thanh Oai ngày càng khởi sắc.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi công tác đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm vẫn còn gặp khó khăn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao dẫn đến tình trạng lao động có nhiều nhưng thiếu trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề thấp, thiếu tác phong công nghiệp và tinh thần làm việc theo tổ nhóm, dây chuyền. Nhận thức của người lao động về chuyên môn, kỹ thuật, sản xuất hàng hóa, dịch vụ còn hạn chế, lực lượng lao động của huyện vẫn tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động kém hiệu quả, đã tác động không nhỏ đến công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, dẫn đến tình trạng nhiều lao động bỏ việc hoặc chuyển sang tìm công việc khác nên đây cũng là nguyên nhân thất nghiệp của người lao động.
Số lượng làng nghề Huyện Thanh oai từ 2005 - 2015 - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Song, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND thành phố Hà Nội và Sở Lao động Thương binh và xã hội, vai trò lãnh đạo của Huyện uỷ, HĐND huyện công tác đào tạo nghề đã được UBND huyện, các cơ quan chức năng triển khai có hiệu quả trên địa bàn. Qua đó, từng bước giảm bớt tỷ lệ lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật; tạo việc làm ổn định và nâng cao năng suất lao động cho một số lượng lớn người lao động; góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Trong đó, những người thuộc nhóm đối tượng 1 như hộ nghèo, người tàn tật, người lao động bị thu hồi đất canh tác, người có công với cách mạng và các lao động nông thôn khác được tạo điều kiện học nghề phù hợp. Cụ thể các ngành chức năng phối hợp mở hàng chục lớp dạy nghề ngắn hạn và hàng trăm lớp tập huấn, khuyến công, khuyến nông, truyền đạt những kiến thức cơ bản và kỹ năng nghề nghiệp cho hàng ngàn lao động nông thôn, đến nay số người có việc làm, duy trì và phát triển việc làm theo đúng ngành nghề đã học đạt trên 75%. 100% học viên sau khi học đáp ứng nhu cầu thực tế, tiếp tục phát triển, áp dụng các biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó tăng thu nhập cho gia đình, ví như nghề trồng nấm, trồng cây ăn quả, chăn nuôi,...
Đào tạo nghề và tỷ trọng nghề của Huyện - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Những lao động học nghề phi nông nghiệp có từ 75% trở lên tìm được việc làm như: tin học văn phòng, may công nghiệp, nấu ăn, điện dân dụng. Đặc biệt, những lao động học nghề hàn được Công ty TNHH cơ điện Đại Dương nhận vào làm việc sau khi học xong. Những lao động học nghề nấu ăn đã cũng được giới thiệu việc làm tại các Nhà hàng sau khi tốt nghiệp, số còn lại tự tạo việc làm tại gia đình, địa phương như mở quán ăn nhỏ, bán thức ăn chín. Những lao động học nghề kỹ thuật trồng rau an toàn và kỹ thuật chăn nuôi gia cầm đã biết áp dụng kiến thức, kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, phát triển khu trồng rau an toàn và gia cầm đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường nông sản.
Dạy nghề may 2014 - Nguồn: Nguoithanhoai.vn
Quý I/2015 huyện Thanh Oai đã mở được 54 lớp học nghề với 1890 học viên tham gia. Trong đó có 22 lớp nông nghiệp với các nghề trồng cây ăn quả, nấm, lúa cao năng suất, chăn nuôi; 32 lớp phi nông nghiệp với các nghề mây tre đan, nấu ăn, điện dân dụng, may công nghiệp, cơ khí,… Năm 2014, số lớp đào tạo nghề của huyện Thanh Oai đã tăng 20 lớp so với năm 2013. Điều này góp phần khẳng định, việc thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ở Thanh Oai đang từng bước đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả nhất định, góp phần xóa đói giảm nghèo, thay da đổi thịt cho vùng quê phía nam của Thủ đô.
Bích Hồng - Thanh Oai