Mô hình cây ăn quả an toàn xã Cao Viên - Ảnh: Ngọc Huyền - Thanh Văn
Ông Lê Đức Giáp, người được vinh danh là tấm gương tiêu biểu thủ đô 2012, ở thôn Bãi - xã Cao Viên, ông được mệnh danh là ông vua ghép cây nổi tiếng Việt Nam với nhiều loại cây cảnh "siêu lạ" với 10 loại quả trên cùng một cây. Không được đào tạo qua trường lớp, một lão nông Hà Nội khiến nhiều người kinh ngạc khi tạo ra năm đến mười loại quả trên một cây, thu lãi hơn trăm triệu mỗi năm. Tạo công ăn việc làm cho khoảng 10-15 người.
Trước đây, ngoài làm nông nghiệp, gia đình ông Giáp, 60 tuổi, có thêm nguồn thu nhập lớn từ nghề làm pháo (Nổi tiếng nhất pháo Bình Đà). Sau khi nhà nước cấm sản xuất pháo, gia đình ông và nhiều người trong vùng quê chiêm trũng phải trải qua tháng ngày khó khăn. "Dù cố gắng chăm lo cho cánh đồng lúa đến mấy, chỉ đợt thiên tai là gia đình tôi mất trắng, tôi còn nhớ như in cảnh lo từng bữa cơm" - ông nghẹn ngào nhớ lại.
Ông Giáp chia sẻ cùng Người Thanh Oai những bước đường phát triển - Ảnh: Ngọc Huyền - Thanh Văn
Mất nghề truyền thống, ông Giáp cùng bạn bè làm hết nghề này đến nghề nọ, rồi ông chọn nghề lâu dài là buôn bán hoa quả, nhưng cuộc sống gia đình ông vẫn không mấy cải thiện, nhà lại đông con, điều này càng thôi thúc ông tìm cách thoát nghèo.
Căn nhà lụp xụp dựng tạm tại vườn bãi - Ảnh: Ngọc Huyền
"Cái khó ló cái may", ông nói và kể lại bước ngoặt cuộc đời khi một lần sang huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên mua hoa quả. Ông Giáp thấy các gia đình đều trồng cây cam Canh và hiệu quả cao. Ông nhẩm tính, với giá 25 nghìn đồng/kg, mỗi cây người trồng thu về khoảng triệu đồng, trong vườn có đến hàng trăm cây, ông sững người khi tính ra mức thu nhập rất cao từ cây cam Canh.
Chuyến đi lần này, hình ảnh quả cam trĩu nặng luôn ám ảnh ông. "Quê hương mình đất nhiều, tại sao mình lại không làm được", với suy nghĩ này, đầu năm 2000, ông Giáp quyết tâm mang cây cam Canh về trồng trên mảnh đất quê hương. Cuối 2002, ông cùng gia đình bàn bạc vừa trồng cây ăn quả, vừa làm thêm cam cảnh bán dịp Tết Nguyên đán. Trải qua nhiều khó khăn đến 2005 ông thành công trong việc tạo cây cam và bưởi cảnh.
Vườn cây không thiếu thứ quả nào - Ảnh: Ngọc Huyền - Thanh Văn
Tiếp đó, cuối 2005, đầu 2006, ông nảy sinh ý định tạo 5 loại quả là quất, quýt, cam, bưởi và phật thủ. "Nhà nào cũng có mâm ngũ quả. Ngoài quả chuối, các loại quả còn lại đều có múi, với kinh nghiệm cây cam cảnh nghệ thuật, tôi hoàn toàn tự tin bắt tay tạo ra cây cảnh 5 loại quả với nét độc đáo riêng, điều xưa nay chưa ai làm", ông Giáp nói về ý tưởng tạo cây ngũ quả.
Các loại quả như: bưởi hoàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh, phật thủ, quýt, cam đường, cam Vinh, quất, chanh, chanh đào được ông “nhét” chung vào một thân cây. Ông Giáp chia sẻ, mọi năm ông chỉ ghép từ 5-9 quả trên một cây. Năm nay, ông mạnh dạn ghép hẳn 10 quả với ý nghĩa "thập toàn thập mỹ" phục vụ nhu cầu của khách chơi cây.
Công đoạn khó nhất là ghép - Ảnh: Ngọc Huyền - Thanh Văn
Không nhiều người biết rằng, để trồng được loại cây như vậy, ông đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Thậm chí nhiều người nói ông là hâm, là điên khi bỏ ra hàng đống tiền, tốn rất nhiều công sức để cắt ghép tạo ra một giống cây như vậy.
Ông tiết lộ, muốn quả ghép phát triển bình thường trên thân cây mới, người ghép phải khéo léo và rất cẩn thận để ghép cuống quả vào cành hay nhánh của cây thật chính xác, tương xứng nhau, khi buộc phải thắt chặt túi nilon ở vết ghép để quả có chất dinh dưỡng. Tiếp đó là bón phân, phun thuốc trừ sâu theo định kỳ.
Đào tạo thế hệ trẻ là tự hào và trách nhiệm của ông - Ảnh: Ngọc Huyền - Thanh Văn
Một cây ghép quả cỡ lớn, có đủ 10 loại sẽ có tới gần 100 quả trên thân chính. Ngoài ra, mỗi cây ghép ngoài quả đã lớn còn có đầy đủ chồi, lộc, quả non và hoa chanh, bưởi, cam tỏa hương thơm ngào ngạt.
Ông Hưng, trợ lý đắc lực của ông Giáp hướng dẫn đoàn phóng viên - Ảnh: Ngọc Huyền - Thanh Văn
Năm đầu tiên đưa ra thị trường, loại cây này ế ẩm không bán được, ông đành mang ra hội làng để chơi và tặng lại anh em bạn bè. Nhiều bà con đi làm ăn xa về thấy cây lạ và độc đáo nên đặt năm sau về mua, từ hàng chục người rồi họ mách nhau đến hàng trăm người tìm đến ông Giáp để chọn cây. Mãi đến năm 2012, loại cây của ông mới thực sự nổi tiếng, được nhiều người biết đến.
Thợ chính trong vườn cây những ngày giáp tết Bính Thân 2016 - Ảnh: Ngọc Huyền - Thanh Văn
Tuy nhiên, để thành công với loại cây này cũng khá tỉ mẩn và yêu cầu sự sáng tạo cao. Hàng năm, bắt đầu từ tháng 6 âm lịch, ông Giáp bắt đầu đi tìm kiếm các thân cây bưởi, cây cam có thế đẹp về làm gốc, sau đó đi chọn đủ các loại quả cần ghép rồi tiến hành công việc cấy quả vào thân. Trải qua 6 tháng chăm sóc liên tục, đúng vào dịp cận Tết, các cây này sẽ đơm hoa kết trái theo đúng ý ông.
Những loại cây đặc sắc giúp ngày tết thêm xuân - lộc - tài - Ảnh: Ngọc Huyền - Thanh Văn
Một số người mua cây 10 loại quả này dụng ý vừa làm vật trang trí, giúp hài hòa không gian trong nhà vừa mong muốn phát tài, phát lộc “thập toàn thập mỹ” trong năm mới.
Hai vợ chồng tỷ phú nhờ tài năng và sự bền bỉ trong lao động sáng tạo - Ảnh: Ngọc Huyền - Thanh Văn
Ông Giáp không bán đắt để ai cũng có thể chơi được, giá bán giống cây cảnh này dao động từ 2 đến 10 triệu đồng/cây. Một vài năm trở lại đây, người chơi thường thích những loại cây cảnh kiểu dáng độc đáo, lạ mắt nên ông rất đông khách. Vườn cây của ông có gần 300 gốc cây lai nhưng đã có hơn một nửa khách đặt.
Chân dung ông "vua" ghép trái cây - Ảnh: Ngọc Huyền - Thanh Văn
Không chỉ tăng thu nhập cho gia đình, Ông Giáp đã tạo thu nhập cho mỗi nhân công của mình khoảng 5-8 triệu đồng/tháng. Ông là tấm gương tiêu biểu hàng đầu của xã Cao Viên, Thanh Oai.
Các đoàn doanh nghiệp công ty, và những người chơi cảnh vẫn là đối tượng chuộng nhất - Ảnh: Ngọc Huyền - Thanh Văn
Tác giả: Minh Long - Cao Viên